Thực hiện mục tiêu quản lý, sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp và phát triển rừng, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách về phát triển lâm nghiệp bền vững. Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR của các cấp, các ngành; trách nhiệm của chủ rừng và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả 694.741 ha đất lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 và 719.599 ha giai đoạn 2030-2050, tỉnh ta đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đời sống và sản xuất, xây dựng nông thôn mới, chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai kịp thời, tạo thêm sinh kế, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ và phát triển rừng. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; các thông tư mới ban hành về lĩnh vực lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và PTNT đến các tổ chức, chủ rừng, hộ gia đình và người dân sống trong rừng, ven rừng nắm bắt và thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Các sở, ban, ngành của tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý, bảo vệ và PCCCR theo đúng quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, chính quyền cấp xã chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện trực tiếp trong công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR và tình trạng khai thác, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp trái quy định.
Lực lượng kiểm lâm tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR trên địa bàn quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Các chủ rừng có trách nhiệm thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền cơ sở tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, truy quét các đối tượng có hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái quy định. Thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR trên diện tích được giao quản lý.
Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội và chính quyền địa phương, huy động lực lượng đảm bảo công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đặc biệt, tăng cường phối hợp giữa kiểm lâm với cơ quan chức năng xử lý các vụ vi phạm, nhất là các vụ việc có dấu hiệu hình sự.
UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản; tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, truy quét, xử lý kịp thời các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Triển khai thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và PCCCR tại các khu vực giáp ranh.
Rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng; đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, như: dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch... Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!