Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc quản lý cán bộ, viên chức khi tham gia giao thông

Theo tổng hợp của Văn phòng Ban ATGT tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 137 vụ tai nạn giao thông làm chết 86 người, bị thương 115 người; so với cùng kỳ năm 2015, số vụ giảm 09 vụ (giảm 6.2%), số người chết tăng 2 người (tăng 2,4%); số người bị thương giảm 9 người.

Các vụ tai nạn xảy ra nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận tham gia giao thông còn kém, dẫn đến vi phạm còn khá phổ biến; đặc biệt là người đi mô tô xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm; người uống rượu, bia vẫn điều hành phương tiện tham gia giao thông, vi phạm tốc độ, đi sai làn đường, vi phạm về phương tiện hết niên hạn sử dụng...

Để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc quản lý cán bộ, nhân viên khi tham gia giao thông; ngày 31-10-2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 29/2016/QĐ-UBND về việc quy định xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Theo quy định, hành vi vi phạm bị xử lý đó là vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nguyên tắc xử lý vi phạm bảo đảm khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng quy định. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan công an, cơ quan quản lý đường bộ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Vi phạm bị xử lý hành chính lần đầu trong năm: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có văn bản nhắc nhở, phê bình trước tập thể cơ quan, đơn vị. Trường hợp người đứng đầu vi phạm, người đứng đầu cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp có văn bản nhắc nhở, phê bình trước tập thể cơ quan, đơn vị. Nếu vi phạm lần thứ 2 trong năm: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm điểm, phê bình trước tập thể cơ quan, đơn vị và không xem xét bình chọn các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng năm đó. Trường hợp người đứng đầu vi phạm, người đứng đầu cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp tổ chức kiểm điểm, phê bình. Đối với vi phạm bị xử lý hành chính lần thứ 3 trở lên trong năm: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị xem xét, xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.

Vi phạm lần đầu hoặc lần thứ 2 trong năm mà để xảy ra hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị xem xét, xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.

Cơ quan, đơn vị có người vi phạm quy định thì tập thể cơ quan, đơn vị và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách lĩnh vực công tác có cá nhân vi phạm sẽ bị cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp trên xử lý có văn bản nhắc nhở, phê bình; không được xem xét công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng năm đó. Cán bộ, chiến sĩ công tác tại cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nếu có hành vi vi phạm quy định, ngoài việc xem xét xử lý theo quy định trên, còn căn cứ vào các quy định quản lý của lực lượng vũ trang và các văn bản pháp luật có liên quan để xử lý kỷ luật.

Việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, thể hiện quyết tâm của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong bảo đảm giữ gìn trật tự an toàn giao thông; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông xây dựng văn hóa giao thông, góp phần giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông), vì hạnh phúc của nhân dân.

Khánh Minh

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới