Những ngày gần đây, diễn biến dịch COVID-19 trong nước đang rất phức tạp tại thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và một số tỉnh khu vực miền Bắc: Hưng Yên, Hà Nam, thành phố Hà Nội... Riêng tỉnh Sơn La, số công dân sinh sống và làm việc tại các tỉnh đang có dịch trở về địa phương có xu hướng tăng cao từ 400-500 người/ngày, dẫn đến quá tải tại một số cơ sở cách ly tập trung. Ngày 21/7, tỉnh ghi nhận 2 ca nhiễm mới được phát hiện trong khu cách ly tập trung của huyện Phù Yên (bệnh nhân 69909 và 69910) đều là công dân đi từ Bình Dương về.
Tiêm vắc xin COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ảnh: Lò Linh
Kể từ 0 giờ ngày 24/7, tỉnh Sơn La tạm dừng hoạt động vận tải khách liên tỉnh từ Sơn La đi, đến các tỉnh, thành phố và ngược lại. Tuy nhiên, nhiều gia đình có người nhà đi khám bệnh tại bệnh viện tuyến Trung ương, học sinh, sinh viên trở về địa phương; một số lái xe tư nhân (xe 5 chỗ, 7 chỗ ngồi) lợi dụng việc tạm dừng vận tải hành khách có hành vi chở người từ vùng dịch đi vào tỉnh với thủ đoạn khai báo gian dối để lọt qua các trạm kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch nhằm trục lợi bất chính. Mặt khác, ý thức của một số người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định trong phòng chống dịch. Việc tụ tập đông người tại các nhà hàng, quán ăn, giải khát là rất nguy hiểm, làm môi trường cho dịch lây lan.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, khó lường, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh; nâng cao nhận thức trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo. Đồng thời, triển khai nhanh, kịp thời và hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Quản lý, động viên, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc tạo sức mạnh tổng hợp để phòng chống dịch có hiệu quả cao nhất. Gương mẫu đi đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch tại địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; chiến sĩ các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh không ra ngoài tỉnh khi không có việc thật sự cần thiết. Trường hợp có việc cần thiết ra ngoài tỉnh phải báo cáo và được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương theo phân cấp quản lý.
UBND các cấp thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch tổ chức quản lý theo dõi giám sát chặt chẽ các khu vực cách ly trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường hợp F1, F2, bảo đảm không để lây lan dịch bệnh ra ngoài cộng đồng. Tập trung truy vết quản lý các trường hợp F1, F2, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc đối với một số người thường xuyên tiếp xúc với nhiều người khi có nguy cơ lây nhiễm cao, để kịp thời phát hiện và cách ly điều trị theo quy định
Thực hiện nghiêm phương châm 5K + vaccine. Tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện 5K tại cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, những nơi tập trung đông người, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (nếu có). Tiếp tục rà soát phân loại đối tượng xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin COVID-19 toàn dân. Thực hiện việc tiếp nhận vắc xin, tổ chức tiêm cho các đối tượng theo kế hoạch, bảo đảm an toàn, hiệu quả, kịp thời.
Duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh 24/7; lắp đặt các biển báo hạn chế tốc độ phân làn để bảo đảm an toàn cho lực lượng kiểm soát. Tăng cường lực lượng và đảm bảo các trang thiết bị thiết yếu phục vụ hoạt động các chốt trong thời gian lâu dài, bảo đảm các chế độ, chính sách cho cán bộ trực tại các chốt kiểm soát dịch theo quy định. Nghiên cứu lắp đặt thiết bị tiếp nhận khai báo y tế điện tử.
Các trạm kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch tổ chức kiểm soát 100% số người, phương tiện đi vào tỉnh và yêu cầu khai báo trung thực lịch trình di chuyển và thực hiện test nhanh các trường hợp đi vào tỉnh (trừ trường hợp đã có giấy chứng nhận âm tính). Những trường hợp ngoại tỉnh đi từ vùng dịch về mà không có hộ khẩu hoặc thân nhân tại Sơn La thì kiên quyết không cho vào địa bàn tỉnh (trừ trường hợp xe vận tải hàng hóa, những mặt hàng thiết yếu, xe vận tải chuyên ngành của Bưu điện Việt Nam... lái xe, phụ xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ tính từ thời điểm lấy mẫu. Các đoàn công tác của các bộ ngành, cơ quan đã được sự chấp thuận của UBND tỉnh. Các công dân ngoại tỉnh nếu đi qua địa bàn tỉnh Sơn La về Điện Biên, Lai Châu phải thực hiện test nhanh kháng nguyên với COVID-19 tại trạm kiểm soát phòng chống dịch của tỉnh và phải tự trả phí xét nghiệm. Đối với người đi khám, chữa bệnh, sinh viên, học sinh, người nhà từ vùng có dịch về Sơn La bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính, đồng thời thông báo cho địa phương nơi cư trú để quản lý, cách ly y tế tại nhà theo quy định.
Tiếp tục rà soát điều chỉnh bổ sung phương án phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình diễn biến mới của dịch. Tăng cường quản lý giám sát chặt chẽ người đi về từ vùng có dịch; phát huy vai trò trách nhiệm của tổ COVID cộng đồng; thực hiện việc khai báo y tế theo quy định, phát hiện sớm và tổ chức cách ly theo quy định.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!