Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội có vị trí, vai trò quan trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc kiểm soát, giám sát quyền lực của chính quyền. Việc thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội cũng chính là thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây là một trong những giải pháp góp phần xây dựng các tổ chức Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, vấn đề đặt ra là tạo sự thống nhất về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về công tác giám sát, phản biện xã hội. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan đảng, chính quyền với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm trong công tác giám sát, phản biện xã hội bảo đảm phù hợp với các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư và điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Hoạt động phản biện xã hội của MTTQ cùng các cơ quan có thẩm quyền tổ chức phản biện dự thảo các cơ chế, chính sách, pháp luật; về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm khơi dậy khát vọng phát triển của tỉnh. Cùng với đó, gắn phản biện xã hội với hoạt động giám sát việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án công trình trọng điểm…
Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phát huy dân chủ ở cơ sở, thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Các cấp ủy, chính quyền kịp thời thông tin về hoạt động của tổ chức mình, nhất là về xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án có tác động, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân; về đạo đức, lối sống, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để nhân dân giám sát.
Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức tốt và thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tiếp nhận, phản ánh, xử lý thông tin, giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh.
Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò giám sát của nhân dân; trách nhiệm trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát; cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; có cơ chế để MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tham gia hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử; có chế tài xử lý tổ chức, cá nhân không hợp tác, gây khó khăn, cản trở hoạt động giám sát, phản biện xã hội, hoặc lợi dụng quyền giám sát, phản biện xã hội để gây tổn hại cho tổ chức, cá nhân.
Đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng: Chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu; ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Tăng cường giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của các cơ quan, tổ chức và cá nhân; việc thực hiện giải quyết kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!