Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học; đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng đội ngũ giáo viên; hướng dẫn các nhà trường thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo.
Thực hiện có hiệu quả các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; các sở, ngành và các huyện, thành phố chủ động thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với thực tiễn, có phương án, biện pháp cụ thể đảm bảo cơ sở vật chất trường, lớp tại từng địa bàn, quy hoạch điểm trường hợp lý đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em. Bảo đảm không để tình trạng cơ sở giáo dục có quy mô quá lớn, số lớp, số học sinh vượt quy định, gây khó khăn trong quản lý, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Bảo đảm trẻ em mầm non, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Rà soát, quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập để giảm áp lực cho trường mầm non, phổ thông công lập, khu vực đông dân cư.
Xây dựng kế hoạch và thực hiện tuyển dụng số biên chế được giao nhưng chưa tuyển dụng và số biên chế được giao bổ sung theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương. Thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục. Tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng đổi mới, tạo chuyển biến mạnh về số lượng, chất lựơng và hiệu quả đào tạo; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp với đa dạng phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, chú trọng đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, phù hợp với nhu cầu nhân lực thị trường lao động.
Các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu đầu năm học; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc lựa chọn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; quản lý, sử dụng sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục. Có phương án hỗ trợ, bảo đảm đầy đủ sách giáo khoa cho các đối tượng học nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học các cơ sở giáo dục. Thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các đề án, dự án đã được phê duyệt để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình quy định để duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và thực hiện các mục tiêu giáo dục theo quy định.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống trường mầm non, phổ thông có chất lượng cao tại khu vực có khả năng xã hội hóa cao trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh chuyển đổi số và định hướng phát triển giáo dục thông minh; trên cơ sở phát triển năng lực người học, hình thành thế hệ học sinh có thể tự định hướng tư duy, có động cơ học và phục vụ xã hội, có khả năng thích ứng với nguồn học liệu phong phú, phát triển toàn diện về kiến thức, nhân cách và nghề nghiệp, thích ứng với thực tiễn xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!