Luôn chủ động phòng, chống “giặc lửa”

Mặc dù đã sắp qua mùa khô (ở nước ta, thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau), nhưng trước diễn biến phức tạp của thời tiết, khả năng nắng nóng, khô hạn kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao, đòi hỏi các địa phương, đơn vị và người dân không được phép chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống “giặc lửa”.

Theo nhận định xu thế khí tượng thủy văn của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, năm nay, phía Tây Bắc Bộ, các đợt nắng nóng có khả năng tập trung từ tháng 4-5; mùa mưa được dự báo đến muộn hơn so với mọi năm, tổng lượng mưa tháng 4 và tháng 5 có khả năng ở mức thấp hơn TBNN trong khoảng từ 15-30%. Cùng với đó, thời điểm này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh ta còn bị ảnh hưởng bởi những đợt gió phơn Tây Nam (gió Lào) khiến thời tiết khô, nóng, độ ẩm có khi xuống 30%, trời nắng to, gió thổi mạnh, rất dễ sinh ra hoả hoạn.

Trên thực tế những năm qua, mặc dù các địa phương, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp tích cực phòng cháy, chữa cháy, song tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 239 vụ cháy, làm 12 người bị thương vong, thiệt hại trên 1.200 ha rừng; tài sản bị thiệt hại ước tính trên 38 tỷ đồng... Nguyên nhân thì có nhiều, song cơ bản là do nhận thức về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của chính quyền địa phương và người dân chưa cao, còn bất cẩn, chủ quan, chưa thấy hết vai trò của công tác PCCC.

Để huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong công tác PCCC, trước hết, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục phổ biến, quán triệt hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn dân nâng cao nhận thức, tham gia tích cực, có trách nhiệm với công tác PCCC, với phương châm “phòng là chính”. Xác định rõ và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCCC,  tránh tình trạng lơ là, chủ quan, không quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác PCCC.

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC, tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra đánh giá các điều kiện về PCCC&CNCH tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm về PCCC. Chủ động phương án, kế hoạch PCCC&CNCH bảo vệ các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh; các dịp lễ hội; các đoàn khách cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc tế đến thăm, làm việc tại tỉnh; bảo vệ các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ và đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La.

Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong công tác PCCC. Gắn phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC&CNCH với phong trào dân vận khéo, phong trào xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa; nhân rộng điển hình tiên tiến về PCCC, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC.

Quan tâm xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng lực lượng chuyên ngành, cơ sở, dân phòng; đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện PCCC đáp ứng yêu cầu công tác PCCC&CNCH theo phương châm “4 tại chỗ”.

Chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về PCCC nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra. Thực hiện tốt công tác thường trực sẵn sàng về lực lượng, hậu cần, phương tiện... Chủ động xây dựng, rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án PCCC phù hợp với địa bàn, cơ sở; tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án để khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra thì tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hiệu quả.

Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cho người dân để người dân có thể tự bảo vệ mình và nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác PCCC bằng những việc làm cụ thể như thường xuyên kiểm tra hệ thống, thiết bị điện, bếp đun; tắt nguồn lửa và ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; cẩn trọng trong thắp hương, đốt vàng mã... hay việc đốt, dọn nương rẫy theo đúng quy định.

Không chủ quan, lơ là với “giặc lửa”, chủ động ngăn ngừa và sẵn sàng các phương án ứng phó luôn là vấn đề cấp bách, cần được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và toàn dân quan tâm thực hiện, nhằm đẩy lùi nguy cơ cháy nổ, vì cuộc sống bình yên cho mọi người, mọi nhà, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hà My

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới