Không chủ quan trong mùa mưa lũ

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh đã cấy được gần 20.000 ha lúa, hiện bà con đang tập trung làm cỏ, bón phân nên toàn bộ diên tích lúa đã và đang phát triển tốt. Để đảm bảo năng suất lúa đạt từ 6 - 7 tấn/ha, cùng với việc đẩy mạnh thâm canh thì vấn đề bảo vệ và phòng chống lũ cho người và lúa là hết sức cần thiết. Nhất là trong thời điểm tháng 8 dương lịch (tháng 7 âm lịch) là thời điểm thường xảy ra mưa, bão gây lũ, lụt làm thiệt hại đến tài sản, tính mạng của người dân và thiệt hại đến diện tích lúa mùa.

Mưa to làm ngập cục bộ tỉnh lộ 106, đoạn Tiểu khu 5, thị trấn Ít Ong (Mường La).

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Trong những tháng cuối năm 2016, khả năng bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sẽ kết thúc muộn, gió mùa đông bắc hoạt động sớm và mưa, lũ lớn xuất hiện với tần suất cao hơn năm 2015...Các phân tích và dự báo mới nhất cho thấy: Khả năng bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông sẽ ít hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 12-13 cơn/năm; trong đó sẽ có khoảng 4 đến 5 cơn bão, khoảng 5 đến 6 cơn ATNĐ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Bão, ATNĐ có khả năng xuất hiện nhiều hơn trong những tháng cuối năm; trong những tháng cuối năm; lượng mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ và miền núi, trung du Bắc Bộ trong các tháng  7, 8, 9 ở mức cao hơn TBNN từ 5% - 15%... lũ có khả năng xuất hiện đúng theo chu kỳ TBNN với 2-3 đợt lũ lớn. Đỉnh lũ nằm trên các sông phổ biến tương đương đỉnh lũ năm 2015: trên một số sông, suối nhỏ khu vực miền núi, đỉnh lũ có khả năng vượt mức báo động 3. Lũ quét, sạt lở đất có khả năng xảy ra nhiều hơn so với năm 2015.

Trên địa bàn tỉnh ta, từ đầu mùa mưa đến nay, tuy chưa xuất hiện những cơn mưa, lũ lớn so với TBNN, nhưng vào đầu tháng 8 đã xảy ra trận gió lốc kèm theo mưa đá, gây thiệt hại nặng tại huyện Quỳnh Nhai, làm chết 1 người do sét đánh và làm tốc mái 24 ngôi nhà, đánh chìm 13 tàu, thuyền, 2 nhà nổi, 43 lồng cá, 34.400m2 trồng ngô; thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng. Trước đó, vào những tháng 5,6,7, ở một số địa phương xảy ra mưa đá, mưa to cục bộ, làm sạt lở đất đá, lũ ở suối, gây ảnh hưởng một số cây trồng trên nương và làm thiệt hại một số công trình thủy lợi. Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thì trong những tháng 8,9 năm nay, mưa lũ có khả năng xảy ra ở mức cao hơn TBNN từ 5% -15%. Do vậy, các địa phương không nên chủ quan và phải thường xuyên kiểm tra các địa bàn dân cư, những bản, hộ dân sinh sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ quét, thiên tai, những diện tích lúa ở những khu vực ven sông, ven suối, ven sườn đồi núi dễ bị sạt lở... Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch phòng, tránh lũ quét và thực hiện việc thông báo, cảnh báo kịp thời cho người dân biết để chủ động đối phó. Đối với những hộ sống ở các địa bàn có nguy cơ cao về lũ quét, phải chỉ đạo tổ chức di dời dân đến nơi an toàn. Kiện toàn, củng cố Ban Chỉ huy phòng, chống lũ, bão, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy và thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, thông tin, báo cáo về diễn biến lũ bão kịp thời, đúng quy định; các xã, bản xây dựng các phương án đối phó với lũ quét, thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ngoài ra các huyện, xã và các cơ quan khuyến nông cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân tăng cường công tác kiểm tra, phòng trừ sâu, bệnh và đảm bảo nước tưới tiêu cho toàn bộ diện tích lúa mùa.

 

Quang Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới