Những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương và cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hưởng ứng thực hiện phong trào “Tết trồng cây, đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh. Năm 2022, toàn tỉnh đã trồng được 4.754 ha rừng tập trung, bằng 173,5% kế hoạch, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh lên 47,3%.
Kế hoạch năm 2023, toàn tỉnh trồng 2.437 ha rừng tập trung và 1 triệu cây phân tán. Thực hiện phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão gắn với quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm 2023; các cấp, các ngành, địa phương bám sát chỉ đạo của Trung ương và Nghị quyết số 142/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021-2025 theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt và Kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 thực hiện Đề án ‘‘Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025’’ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ theo kế hoạch, sản xuất lâm nghiệp năm 2023; xây dựng kịch bản tăng trưởng về các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất lâm nghiệp sát thực tế tại địa phương, trong đó đặc biệt chú ý về chỉ tiêu độ che phủ rừng. Các huyện, thành phố cân đối bố trí và lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao. Chủ động tổ chức thực hiện việc phát động phong trào trồng cây xanh trên địa bàn theo chỉ tiêu được giao.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng; động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc tổ chức phát động“Tết trồng cây” cần thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.
Giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, có tiêu cực, để xảy ra vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật. Đấu tranh, truy quét các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng, các loại lâm sản trái pháp luật và xử lý nghiêm theo quy định.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng của các huyện, chính quyền cơ sở và các tổ, bản, cộng đồng địa phương phối hợp với lực lượng kiểm lâm trong việc trực tiếp quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô năm 2023, ứng trực 24/24 giờ. Bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng, đặc biệt trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 để chủ động trong việc chỉ đạo, xử lý các tình huống về phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; kiểm soát và ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!