Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.600 doanh nghiệp, là lực lượng quan trọng đóng góp hơn 80% số thu ngân sách hằng năm của tỉnh và góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Dây chuyền chế biến cà phê của Công ty TNHH Cà phê Sơn La, tiểu khu 15, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn).
Cùng với đó, các doanh nghiệp còn giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động trong tỉnh. Thu nhập bình quân người lao động là 5,7 triệu đồng/tháng (khu vực doanh nghiệp nhà nước), 3,5 triệu - 4 triệu đồng/tháng (doanh nghiệp ngoài nhà nước); một số doanh nghiệp có mức thu nhập bình quân khá, từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp của tỉnh ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh: Vốn ít, không tự chủ được nguồn vốn, chủ yếu vay ngân hàng, không đủ điều kiện cạnh tranh với các doanh nghiệp mạnh, không đủ sức thực hiện những dự án lớn về đầu tư... Các nhà quản lý doanh nghiệp chưa được đào tạo một cách có hệ thống, đội ngũ công nhân lành nghề thiếu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thiếu kiến thức về thương mại, quản trị doanh nghiệp, thông tin thị trường, thiếu kế toán có kinh nghiệm... Sản phẩm chưa có thương hiệu; giá cả đầu vào cao; quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, thiếu sự liên kết; sức cạnh tranh chưa cao. Nhiều doanh nghiệp có số nợ lớn, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng và kinh doanh nông lâm sản.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh, trước hết cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường đối thoại, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu giúp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải thiện mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, thành công và lâu dài trên địa bàn tỉnh. Xây dựng cộng đồng doanh nghiệp và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, ban hành cơ chế thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; có chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; phát triển khu kinh tế, cửa khẩu Lóng Sập (Mộc Châu) và Chiềng Khương (Sông Mã). Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Sửa đổi, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá trong lĩnh vực giao thông vận tải phù hợp với thị trường. Tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn. Thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp các cơ chế, chính sách hoặc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Quán triệt cán bộ, công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp cần thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động trao đổi, phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh tái cơ cấu, liên kết, hợp tác kinh doanh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh. Nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Tăng cường các giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!