Năm 2015, tỉnh ta áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel cho 31,35 ha chè, cà phê tại thành phố, Mai Sơn và Thuận Châu... Quá trình triển khai thực hiện còn những khó khăn, nhưng qua 2 năm, công nghệ này đã thể hiện rõ tính khả thi cao, góp phần tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí đầu tư, lao động...
Diện tích chè tại xã Phổng Lái (Thuận Châu) phát triển tốt nhờ ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel.
Để thấy rõ tính khả thi của mô hình tưới nhỏ giọt, chúng tôi đã tới thực tế các mô hình đang triển khai công nghệ này. Điểm đến đầu tiên là mô hình tưới nhỏ giọt cho 7,5 ha chè được áp dụng tại Công ty TNHH Thu Đan, xã Phổng Lái (Thuận Châu). Đây là mô hình được đầu tư chi phí lắp đặt công nghệ bình quân 95 triệu đồng/ha. Sau đầu tư, doanh nghiệp đã thực hiện tưới cấp ẩm, cấp phân cho cây chè trong mùa khô theo đúng quy trình chăm sóc, đó là: Tưới cấp ẩm 3 ngày 1 lần và tưới cấp phân 7 ngày 1 lần. Qua triển khai thực hiện, sản lượng chè của doanh nghiệp đã tăng cao so với thời điểm chưa áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Sản phẩm chè đối với diện tích sử dụng công nghệ tưới Israel sau khi sơ chế có mẫu mã đẹp, cánh chè đều, khách hàng ưu chuộng và dễ xuất bán.
Trao đổi thêm về hiệu quả của công nghệ tưới nhỏ giọt áp dụng cho diện tích chè của doanh nghiệp, ông Phạm Văn Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Thu Đan, khẳng định: Áp dụng công nghệ này, cây chè cho nhiều búp, búp đều, mập, lá xanh, không bị quăn lá và ít sâu bệnh; năng suất bình quân đạt từ 18 đến 20 tấn búp tươi/ha (nếu không sử dụng hệ thống tưới ẩm chỉ đạt 12-15 tấn búp tươi/ha). Về thu nhập, mỗi năm đạt 200 triệu đồng/ha, tăng 50 triệu đồng so với diện tích không sử dụng hệ thống tưới ẩm. Trừ chi phí, khấu hao tài sản mỗi năm 1 ha chè cho thu nhập cao hơn khi không áp dụng công nghệ Israel là 25 triệu đồng. Hiện tại, công ty có trên 20 ha chè, tiến tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sử dụng công nghệ tưới ẩm của Israel. Công nghệ này có thể áp dụng cho các loại cây trồng, dễ vận hành và tiết kiệm được thời gian, nhân công...
Mô hình tưới nhỏ giọt Israel cho vườn cam của gia đình anh Đỗ Xuân Khởi, xã Chiềng Ban (Mai Sơn).
Tại huyện Mai Sơn cũng đã triển khai công nghệ tưới nhỏ giọt tại 7 hộ xã Chiềng Ban. Trong đó, 6 hộ trồng cà phê, 2 hộ trồng cam với diện tích 7,65 ha và có để lại một phần diện tích để có sự so sánh. Trước khi đưa công nghệ vào áp dụng, cây cà phê của 7 hộ thực hiện mô hình có 5 hộ bị ảnh hưởng sương muối nặng phải cưa gốc. Mật độ cây giảm sinh trưởng, phát triển kém, cộng với tình hình thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng, vật nuôi của nhân dân trong xã. Khi mô hình được triển khai từ cuối tháng 3/2015, đã giúp cây phát triển nhanh, hoa đậu tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng cà phê. Đến nay, sau 2 năm thực hiện thí điểm đã khẳng định được hiệu quả công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cà phê, cây ăn quả. Về năng suất, cao hơn hẳn trước khi áp dụng công nghệ Israel, tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao hơn, trọng lượng quả tươi cao hơn so với vườn đối chứng khoảng 15% đến 20%. Ông Đỗ Xuân Khởi, bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban, nói: Trước gia đình chỉ trồng cà phê, thu từ 10 tấn đến 12 tấn quả tươi. Sau khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, thu nhập tăng cao, cây phát triển ổn định. Cùng với đó, gia đình còn trồng xen cây ăn quả với cà phê. Qua triển khai đã giảm được chi phí đầu tư, như: Công lao động và bón phân... Năm 2015, cà phê của gia đình thu 17 tấn đến 18 tấn quả tươi, lãi 70 triệu đồng/ha và thu 140 triệu đồng từ cây ăn quả. Năm 2016, tổng thu nhập trên 400 triệu đồng, trừ chi phí lãi 50%...
Đến thời điểm này, cùng với diện tích cây trồng được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt triển khai từ năm 2015, nhiều nơi trong tỉnh cũng đã mở rộng và ứng dụng hiệu quả công nghệ tưới ẩm cho gần 200 ha cây trồng. Các diện tích áp dụng công nghệ này đều đạt được những kết quả đúng như mong đợi... Đây chính là cơ sở để tỉnh ta tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nhân rộng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp cho người nông dân.
Tưới nhỏ giọt là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào đất dưới dạng các giọt nước nhỏ ra đều đều từ công cụ hay các thiết bị tạo giọt, đặt tại một số điểm trên mặt đất gần gốc cây. Hệ thống tưới đơn giản, gồm: Bồn chứa nước, hệ thống ống dẫn và đầu tưới nhỏ giọt hay dây nhỏ giọt. Phần điều khiển tự động bao gồm: Van điện điều khiển khu vực tưới, bộ lọc, bộ điều khiển số lần và thời gian tưới trong ngày. Hệ thống tưới có thể kết hợp với bộ châm phân tự động, cung cấp phân bón khi tưới tiêu, cách này được gọi là tưới bón. Đây là biện pháp tưới tiết kiệm nước nhất, giảm từ 30% đến 60% nước so với phương pháp tưới truyền thống... |
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!