Góc nhìn về một bi kịch!

Một em bé thiệt mạng khi chơi đùa cạnh chiếc xe xích-lô chở tôn. Một phụ nữ đứng bên đường cũng qua đời một cách tức tưởi khi tấm tôn bay ra từ chiếc xe bò tự chế. Chúng ta phải quyết liệt vào cuộc...

Một chiếc xe ba bánh chở hàng cồng kềnh trên đường phố Hà Nội.

Gần như ngay lập tức, các cơ quan chức năng Hà Nội đã lên tiếng về sự quyết liệt bắt buộc trong việc xử lý xe 3 bánh, xe tự chế, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh. Đó là một quyết định cứng rắn, nếu nhìn vào số phận của những người đang phải vật lộn mưu sinh dưới nắng bụi Hà thành, nhưng nó cũng là một quyết định đúng, dưới góc độ "thượng tôn luật pháp". Quy hoạch quyết liệt, phạt nặng, cấm và tiêu hủy phương tiện, tất cả đều có thể làm, nếu muốn. Có điều, nếu chúng ta có thể làm được điều đó, thì vì sao lại phải chờ đến tận bây giờ? Tại sao lại chờ đến lúc những tấm tôn đã cứa cổ nạn nhân mới quyết liệt xử lý sai phạm?

Ở khắp các đô thị lớn, người ta chẳng còn lạ gì hình ảnh những chiếc xe chở tôn được buộc chằng đơn sơ, chiếm diện tích chẳng khác nào một chiếc xe con "tung tăng" trên đường phố. Ai cũng biết nó là một "hung thần" thực sự cả khi dừng đỗ lẫn khi di chuyển. Nhưng sự ái ngại vẫn dâng lên trong mắt, khi ta nhìn thấy chủ nhân của những chiếc xe đó: Đen nhẻm. Đầm đìa mồ hôi. Kéo lê những chuyến hàng dù nắng, dù mưa...

Sự ái ngại mang tới sự bao biện. Và cả giả dối nữa, khi rất nhiều kẻ nhân danh thương binh, người tàn tật, che quanh chuyến xe tử thần ấy bằng cái mặt nạ nghèo khó. Sự thật, rất nhiều chủ hàng đã chủ động sắm những chiếc xe bãi xốc xếch, ọp ẹp để vận chuyển đủ loại hàng hóa, vật liệu, sắt thép trên đường phố. Những chiếc xe cũ đến mức người ta sẵn sàng bỏ luôn khi bị CSGT tuýt còi. Thậm chí, đó là những chiếc xe gian, không giấy tờ, nát tới mức không còn nhận ra nổi số khung, số máy. Và chúng ta cũng đừng quên rằng, theo Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội, chỉ có đúng 30 xe ba bánh được cấp phép lưu hành để phục vụ nhu cầu đi lại của thương binh trên địa bàn thủ đô.

Những chiếc xe cứ ào ào phóng đi trên đường phố bất chấp tất cả. Và mọi thứ cũng cứ ào ào qua đi với sự bao biện mang tên “tình thương”. Cho đến khi một đứa bé 9 tuổi không bao giờ trở về nhà trong bữa cơm chiều được nữa...

Nhưng suy cho cùng, những tài xế già như bác thương binh Vị Xuyên ở Tân Mai cũng chỉ là nạn nhân mà thôi. Bỏ qua cái nghèo, họ thực sự là nạn nhân của dịch vụ vận chuyển hàng hóa hỗn loạn từ lâu đời của các thành phố lớn. Những chuyên gia hoạch định chiến lược kinh tế và giao thông đô thị gọi nó bằng cái tên mỹ miều “Logistics”, là lĩnh vực tối ưu hóa dịch vụ vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Còn với người dân, đơn giản, nó chỉ là thói quen “sống chung với lũ”, chấp nhận nguy hiểm hoặc tiếp tay cho nguy hiểm để đổi lại sự thuận tiện, nhanh chóng, giá thành thấp.

Sâu xa hơn, việc người dân vẫn lựa chọn dịch vụ vận chuyển từ những chiếc xe ba-gác bị cấm còn là biểu hiện của sự tùy tiện đối với các định chế giao thông văn minh. Nôm na là khi người ta biết là sai mà vẫn làm. Vẫn làm vì... ai cũng làm. Cũng như việc các anh CSGT chắc hẳn cũng sẽ cảm thấy đỡ khó xử hơn khi xử phạt những chiếc xe hơi bóng lộn hay xe tay ga đắt tiền, thay vì những chiếc xe ba-gác...

Dư luận đã dậy sóng khi Hà Nội liên tiếp xảy ra 2 vụ việc đau lòng liên quan tới những chiếc xe chở hàng thuê. Chúng tôi và nhân dân Thủ đô, cả nước đồng tình kiến nghị không chỉ là chiến dịch mà thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm khắc và loại trừ những loại xe "tử thần", không kể họ là "ai"; không có bất cứ sự "miễn trừ" vì sự bình an, an toàn của mọi người./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới