Phát huy tiềm năng lợi thế về tự nhiên, những năm gần đây, tỉnh ta đã xây dựng và ban hành hành các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng.
Các sản phẩm nông sản toàn của tỉnh giới thiệu tại
Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản giữa Sơn La với thành phố Hà Nội.
Hiện, tỉnh đã có 6 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo bộ, gồm chè shan tuyết, chè ô long, mật ong, xoài, nhãn và rau an toàn. Trong hai năm (2015-2016), tỉnh ta được xếp vào nhóm 10 tỉnh đứng đầu trong cả nước về an toàn thực phẩm nông sản.
Đến nay, tỉnh ta đã thu hút được 111 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thành lập 226 HTX nông nghiệp. Toàn tỉnh đã phát triển được 35.628 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là các loại quả có giá trị kinh tế cao, như xoài, nhãn, bơ, hồng giòn và các loại cây ăn quả có múi, sản lượng năm 2017 ước đạt trên 100.000 tấn, thu nhập bình quân từ 200-400 triệu đồng/ha và 6.000 ha rau, sản lượng gần 80.000 tấn/năm và hàng chục nghìn ha chè, cà phê, mía, sơn tra… mỗi năm cung cấp hàng trăm nghìn tấn nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Toàn tỉnh đã có 86 sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận VietGAP và 28 chuỗi sản xuất nông sản, thủy sản an toàn, gồm 15 chuỗi rau, sản lượng gần 4.400 tấn/năm; 8 chuỗi quả, sản lượng trên 2.300 tấn/năm; 2 chuỗi thịt lợn, sản lượng xuất chuồng gần 2.000 tấn/năm; 1 chuỗi mật ong, sản lượng 3.200 tấn/năm; 2 chuỗi thủy sản, sản lượng 450 tấn/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản phẩm các chuỗi nông sản, thủy sản an toàn đã xuất bán ra thị trường 2.788 tấn, trong đó 570 tấn rau, 448 tấn quả, 235 tấn thịt lợn 255 tấn cá, 1.280 tấn mật ong. Các sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh đã từng bước có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, được người tiêu dùng đánh giá cao. Đặc biệt, cuối tháng 6 vừa qua, lô sản phẩm gần 3 tấn xoài tượng da xanh đầu tiên của tỉnh đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Austraia.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh hiện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Mặc dù là vùng sản xuất nông nghiệp có tiềm năng lớn, nhưng hiện tại vẫn còn ít doanh nghiệp tham gia đầu tư về công nghệ chế biến, mà chủ yếu dừng ở hoạt động sơ chế, dẫn đến năng lực canh tranh của sản phẩm kém hiệu quả, tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá cả. Bên cạnh đó, mặc dù đã hình thành việc liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, nhưng chủ yếu mới là sản xuất và sơ chế thô, chưa có sự kết nối thực sự bền vững giữa sản xuất - chế biến - thị trường và còn thiếu lực lượng lao động có trình độ cao...
Đóng gói sản phẩm sữa tươi tiệt trùng tại Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.
Để tập trung nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực sự mang tính bền vững, hiệu quả, hiện nay tỉnh ta đang tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu thị trường, gắn với bảo vệ môi trường một cách bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư sử dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến các sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực về đất đai, lao động; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy mô lớn, chuỗi giá trị. Thực hiện quy hoạch ngành chăn nuôi, thủy sản gắn với xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn gia súc và các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các viện nghiên cứu triển khai các dự án lai ghép các loại giống cây ăn quả có chất lượng cao, sạch bệnh; chuyển giao quy trình công nghệ canh tác mới, thay đổi thời vụ thu hoạch, hoàn thiện về công nghệ để ứng dụng thành công vào sản xuất nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!