Phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, trong đó ưu tiên phát triển tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đáp ứng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đó là hướng đi của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm nâng cao giá trị nông sản, khắc phục những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, thích ứng với cơ chế thị trường và đại dịch COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp.
Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có gần 19.000 ha xoài với sản lượng 72.000 tấn; gần 11.000 ha mận hậu, với sản lượng 68.000 tấn; 19.224 ha nhãn, dự kiến sản lượng 98.500 tấn. Ngoài ra còn nhiều loại quả khác: Thanh long, chuối, sơn tra, cam, bưởi...
Để nâng cao hiệu quả, các cấp, các ngành, địa phương tập trung truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản. Triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án và các chính sách về phát triển nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện.
Quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn và kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Tăng cường quản lý quy trình sản xuất nông sản, khuyến khích các cơ sở sản xuất hàng hóa tập trung áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn thực phẩm, tiến tới sản xuất sản phẩm hữu cơ, đảm bảo nông sản được tiêu thụ trong chuỗi giá trị đáp ứng đủ tiêu chuẩn trong nước và các nước nhập khẩu. Quản lý các hoạt động thu mua nông sản của thương nhân, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm quy định, tranh mua, tranh bán, ép giá làm bất ổn thị trường, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và quyền lợi của các hộ nông dân. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng; kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, nhập lậu, không trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam.
Đẩy mạnh việc hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản ký kết các hợp đồng liên kết theo các hình thức: Liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ sở chế biến chủ động ký kết với các địa phương, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông sản các hợp đồng, thỏa thuận, cam kết bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu mùa vụ sản xuất, thu hoạch. Thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng cho các dự án nông nghiệp theo hướng hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị trên diện tích đất canh tác, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi sản phẩm và an toàn thực phẩm, tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực.
Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản; phát triển hạ tầng thương mại.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!