Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư khóa IX về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hơn 10 năm qua, tỉnh ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình triển khai ứng dụng công nghệ sinh học đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mô hình trồng cà chua ghép năng suất cao của Công ty Cổ phần Greenfarm Mộc Châu
Nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp việc ứng dụng công nghệ sinh học đã chọn được các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả kinh tế cao; bảo quản chế biến nông sản thực phẩm… từng bước nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm địa phương trên thị trường gắn với bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Công nghệ sinh học chủ yếu được ứng dụng là công nghệ sinh học truyền thống, chưa tiếp cận được nhiều với công nghệ gen, công nghệ enzyme; một số sản phẩm công nghệ sinh học được tạo ra chưa được ứng dụng rộng rãi… Để phát huy kết quả đạt được và khắc phục hạn chế trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới tỉnh ta tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Bám sát Kế hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học của tỉnh từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 các sở, ngành, cơ quan đơn vị, tăng cường công tác phối hợp triển khai ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, bảo quản chế biến nông sản thực phẩm, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường. Đặc biệt là các sở, ngành trong lĩnh vực chuyên môn, như: Sở Khoa học và Công nghệ, cần ưu tiên các dự án khoa học và công nghệ chuyển giao tiến bộ mới về công nghệ sinh học vào sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng khu nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện sinh thái, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm mới phát sinh; ứng dụng rộng rãi công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; ứng dụng công nghệ sinh học bảo tồn, lưu giữ và khai thác hợp lý nguồn gen quý hiếm đối với cây trồng vật nuôi; đưa các quy trình công nghệ tiên tiến vào khai thác, nuôi trồng, bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản. Ngành Công thương triển khai ứng dụng các quy trình công nghệ về vi sinh, công nghệ enzym và protein vào sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, hóa chất, nguyên liệu hóa dược, nhiên liệu sinh học, hàng tiêu dùng; các công nghệ và chế phẩm sinh học trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, phân bón, cải tạo đất, chế biến và bảo quản nông sản - thực phẩm... Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý các chất thải gây ô nhiễm, bảo vệ môi trường; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học để lưu giữ, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, nhất là bảo tồn đa dạng sinh học hệ thống rừng phòng hộ thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện Sơn La, lưu vực Sông Mã và các rừng đầu nguồn quan trọng khác cùng với vùng rừng đặc dụng quốc gia Xuân Nha, Sốp Cộp. Lĩnh vực Y tế, tiếp tục ứng dụng công nghệ sinh học phát triển sản xuất trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu; xây dựng mô hình và giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; hợp tác với các bệnh viện tuyến trung ương trong ứng dụng công nghệ tế bào gốc, công nghệ gen trong chẩn đoán, điều trị các bệnh hiểm nghèo... Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cần hợp tác với các trường, viện nghiên cứu trong ngoài nước đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ sinh học chất lượng cao cho tỉnh; tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ gen, công nghệ tế bào trong sản xuất nông lâm nghiệp, chế phẩm sinh học trong bảo quản, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và bảo vệ môi trường.
Ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh cần có sự tham gia tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, đơn vị, nhất là nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công nghệ sinh học để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, tạo bước chuyển mới trong thực hiện phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp CNH, HĐN đất nước.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!