Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến

Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng trong chương trình cải cách hành chính (CCHC) và triển khai Chính phủ điện tử. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp các sở, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) trên nhiều lĩnh vực một cách thuận tiện. Tuy nhiên, thời gian qua số lượng người dân sử dụng dịch vụ này vẫn còn hạn chế.

Giải quyết thủ tục hành chính cho công dân tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh ta đã cung cấp 1.961 dịch vụ công trực tuyến trong đó: 1.420 dịch vụ mức độ 1 và 2; 463 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 78 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đã hoàn thành việc triển khai hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông cho các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường trên địa bàn tỉnh. Khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp có thể kê khai hồ sơ, nộp, bổ sung hồ sơ 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ nơi đâu có kết nối mạng internet. Ưu điểm khi triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến góp phần đơn giản hóa các TTHC, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian cho doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến còn giúp cơ quan nhà nước trên địa bàn giảm tải được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh, thuận tiện hơn. Đến nay, những tiện ích của dịch vụ đang ngày càng được phát huy, số hồ sơ giải quyết TTHC được gửi qua mạng ngày càng có xu hướng tăng. Nhưng có một thực tế là tại các sở, ngành, tuy đã có dịch vụ công trực tuyến, số lượng hồ sơ được xử lý trên hệ thống chưa nhiều, đặc biệt là các TTHC công trực tuyến mức độ 3 và 4; số lượng người dân đến trực tiếp các trụ sở để nộp hồ sơ, giao dịch theo cách truyền thống vẫn lớn.

Ghi nhận tại Trung tâm hành chính công tỉnh, người dân, doanh nghiệp đến nộp hồ sơ làm các TTHC khá đông. Tại nơi tiếp nhận hồ sơ của Sở Xây dựng, chị Nguyễn Ngọc Bích, nhân viên một doanh nghiệp tại Thành phố lại loay hoay xin cán bộ tiếp nhận hồ sơ các mẫu kê khai để làm thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng. Tìm hiểu được biết, đây là lần thứ 2 chị đến làm thủ tục, do không nắm được các quy trình thủ tục làm hồ sơ, nên phải đi lại nhiều lần. Chị chia sẻ, do không biết có dịch vụ công trực tuyến, các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng rất phức tạp nên cứ phải đến tận nơi mới yên tâm.

Trong khi đó, ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở Giao thông Vận tải, khi được hỏi tại sao không vào trang web một cửa điện tử của Sở để nộp hồ sơ cho tiện, anh Nguyễn Hoàng Việt, tổ 3, phường Chiềng Sinh (Thành phố) đến để làm thủ tục cấp lại giấy phép lái xe cho biết: Tuy có nghe nói đến dịch vụ công trực tuyến nhưng tôi vẫn trực tiếp đến trụ sở để thực hiện giao dịch, một phần chưa quen với việc kê khai điện tử, sợ sai sót; phần khác là muốn được cán bộ hướng dẫn cụ thể, có gì chưa rõ thì hỏi luôn hoặc sai gì thì sửa trực tiếp tại đây.

Có thể thấy, nguyên nhân khiến dịch vụ công trực tuyến chưa được nhiều người dân thực hiện là do khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận người dân còn thấp, chưa biết cách sử dụng, truy cập để giao dịch TTHC trên môi trường mạng. Mặt khác, do tâm lý lo ngại về mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên nhiều người vẫn chọn cách truyền thống là đến trực tiếp cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, song song với hệ thống chung của tỉnh thì một số ngành đang sử dụng các phần mềm chuyên ngành do Bộ chủ quản triển khai nhưng chưa được liên thông, tích hợp dữ liệu với hệ thống dùng chung của tỉnh nên rất khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh theo cơ chế một cửa liên thông. Điều này cũng tạo sự bất cập trong triển khai cung cấp dịch vụ công các mức độ tại địa phương, dẫn đến việc gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với công tác CCHC của từng cơ quan, đơn vị chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả...

Trao đổi về những khó khăn trong công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến, đồng chí Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến đối với người dân, doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trên các website của các cơ quan, đơn vị đáp ứng cho mọi hoạt động truy xuất thông tin nhanh chóng. Qua đó, từng bước hoàn thiện mô hình chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng theo 4 mức độ. Mức độ 1: là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục; hồ sơ; thời hạn; phí và lệ phí thực hiện dịch vụ. Mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới