Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Qua 7 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả khả quan. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường theo hướng lâu dài, bền vững, quan tâm đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đa số các sản phẩm, hàng hóa sản xuất, chế biến trong nước dần được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng, đáp ứng nhu cầu và từng bước tạo dựng được lòng tin của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng sản xuất trong nước.

Các đại biểu tham quan mô hình điểm bán hàng Việt tại thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 122 hội chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn, trong đó có 68 hội chợ tổ chức tại trung tâm các huyện, thành phố, 54 hội chợ tổ chức tại các cụm xã, với gần 14.500 gian hàng các loại, thu hút 9.850 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia, giá trị trao đổi trên  800 tỷ đồng.

Đồng thời, tổ chức 35 đợt bán hàng lưu động, thu hút hơn 250 nghìn lượt người tới thăm quan mua sắm. Sở Công Thương cũng đã khảo sát, lựa chọn và  thiết lập 2 mô hình thí điểm điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại Thành phố. Dự kiến trong năm nay sẽ triển khai nhân rộng thêm 5 điểm tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vụ gian lận thương mại như: kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ thương hiệu hàng Việt. Kết quả, từ năm 2009 đến tháng 6/2016 đã kiểm tra 31.174 cuộc, phát hiện và xử lý vi phạm 16.209 vụ; tổng số tiền xử phạt là 27.678.663.000 đồng, trong đó phạt hành chính hơn 19 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu gần 8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cuộc vận động còn một số khó khăn, tồn tại, đó là hệ thống thương nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh đã dần bị thu hẹp, ảnh hưởng đến việc điều tiết thị trường hàng hóa trong điều kiện cần thiết và đảm bảo duy trì kinh doanh hàng Việt. Kinh phí của địa phương dành cho các hoạt động xúc tiến thương mại và hưởng ứng cuộc vận động còn hạn chế. Hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia.

 Để nâng cao ý thức của người tiêu dùng đối với hàng sản xuất trong nước, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về cuộc vận động. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với hàng hoá, dịch vụ làm ra; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; ưu tiên quảng bá thương hiệu một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh... Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng. Lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nội dung cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vào các hội nghị, sinh hoạt của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

Các cơ quan quản lý nhà nước vận động các doanh nghiệp thực hiện cam kết bảo vệ người tiêu dùng. Các hội, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh tổ chức các hoạt động “Tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng”; tổ chức sự kiện, các hình thức tuyên truyền để người tiêu dùng trong tỉnh hiểu rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm trong tiêu dùng hàng Việt. Phối hợp quản lý chặt chẽ việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.

Với mục tiêu sản xuất hàng trong nước chất lượng, hiệu quả vì người tiêu dùng, vì thương hiệu Việt. Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; nhân rộng mô hình  điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh tổ chức các chuyến bán hàng lưu động tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của tỉnh; nâng tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị, chợ truyền thống... Đó là những giải pháp quan trọng thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước phát triển; thể hiện rõ trách nhiệm và tinh thần yêu nước của người dân thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực trong tiêu dùng hàng Việt Nam.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới