Toàn tỉnh hiện có trên 2.200 doanh nghiêp. Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đội ngũ doanh nhân nói riêng đóng vai trò quyết định trong việc huy động các nguồn lực tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.
Công nhân Nhà máy may Phù Yên trong ca sản xuất. Ảnh: Quốc Tuấn
Có thể nói, những năm qua, tỉnh Sơn La đã quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế chính sách giúp các doanh nghiệp vươn lên phát triển bền vững. Bản thân các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, tìm kiếm thị trường để tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó, đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung, quy mô doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhỏ; số lượng lao động không nhiều; còn có ít doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp; tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, làm ăn thua lỗ, nợ thuế và bảo hiểm xã hội vẫn còn, đây là những hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Trước hết, các cấp, các ngành, huyện, thành phố tập trung tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra nhiều của cải cho xã hội; tôn vinh sự cống hiến và bảo vệ thu nhập hợp pháp của doanh nhân; nâng cao trách nhiệm của doanh nhân đối với cộng đồng xã hội. Hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và phát triển, có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện thể chế pháp luật trên các lĩnh vực như: xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, đầu tư, vv... đảm bảo công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật để đảm bảo sự bình đẳng, tạo môi trường lành mạnh, an toàn cho các doanh nghiệp kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ; rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gắn kết với hoạt động của mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu.
Các doanh nghiệp, doanh nhân Sơn La phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy trí tuệ, tập hợp thành sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức để tiếp tục khởi nghiệp và phát triển bền vững, làm giàu chính đáng, vì sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, vì sự thịnh vượng của đất nước trong xu thế hội nhập và phát triển. Đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như từng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cụ thể; tăng doanh thu, lợi nhuận. Cải tiến khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện tái cấu trúc và định hướng phát triển nền kinh tế tri thức, tạo giá trị gia tăng cao, phù hợp với yêu cầu hiện nay. Tập trung nguồn lực, tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, xây dựng thương hiệu và tạo “chữ tín” trong kinh doanh. Đẩy mạnh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vào nhóm khá trong các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về phát triển kinh tế tư nhân; triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách hiện hành hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, đầu tư phát triển kinh tế hạ tầng, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực đối với khu vực kinh tế tư nhân... Đó là cơ sở để tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 2.500 doanh nghiệp hoạt động; tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 50%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50% - 55%, trong đó được cấp bằng, chứng chỉ đạt 15% - 20%. Xây dựng, phát triển được nhiều doanh nghiệp Sơn La có quy mô lớn và nguồn lực mạnh, nhiều thương hiệu quốc gia.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!