Đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

Thực hiện Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Sơn La đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, cơ bản kiểm soát tình trạng mất an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng, đảm bảo chất lượng trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh trong tình hình mới.

Để đạt được mục tiêu đề ra, trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, địa phương, nâng cao năng lực của hệ thống quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm các cấp; tổ chức tốt các hoạt động phối hợp liên ngành, trong đó ngành y tế làm đầu mối. Phát huy vai trò của các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp vận động giám sát an toàn thực phẩm giữa chính quyền và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.

           

Đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng phương án quy hoạch các khu vực sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố, khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản thực phẩm an toàn, sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn. Tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

           

Củng cố, kiện toàn, tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của địa phương. Bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham mưu, tổ chức triển khai các hoạt động quản lý an toàn thực phẩm của ngành, địa phương trong giai đoạn mới.

           

Duy trì và phát triển mới các chuỗi cung ứng nông, thủy sản an toàn. Hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất, minh bạch nguồn gốc sản phẩm bằng tem nhãn điện tử thông minh QrCode. Thực hiện chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Kết nối chuỗi nông sản an toàn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất rau, quả, thịt, thủy sản với các đơn vị tiêu thụ.

           

Nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông về an toàn thực phẩm, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục triển khai lồng ghép, đồng bộ giữa truyền thông về an toàn thực phẩm với truyền thông phòng, chống dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm ở các ngành, các cấp đến cộng đồng. Tích cực vận động nhân dân tham gia phát giác, tố giác cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ tới các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật. 

           

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ thực phẩm sản xuất nông lâm thủy sản theo chuỗi và hình thành hệ thống các điểm bán nông, lâm, thủy sản an toàn có xác nhận. Tiếp tục hỗ trợ truyền thông, quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu phù hợp với điều kiện, tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại địa phương và các tỉnh trong khu vực, cả nước.

           

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả xử lý. Giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản, thủy sản thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ giết mổ và vệ sinh thú y, vệ sinh thuỷ sản; điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, đặc biệt là các chợ đầu mối.

           

Tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất và an toàn thực phẩm; thực hiện đồng bộ các giải pháp để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đông người, các sự cố khác về thực phẩm. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia đảm bảo an toàn thực phẩm. Có cơ chế, chính sách, khuyến khích, hỗ trợ đối với các cơ sở đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, duy trì tốt việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP.  Xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính và từng bước tăng mức đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Nâng cao nhận thức và kỹ năng nhận biết của người tiêu dùng. Đó là cơ sở để thực hiện tốt an toàn thực phẩm vì sức khỏe của cộng đồng.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới