Chú trọng giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) có những bước tiến triển tích cực, hầu hết các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong kiểm tra, thanh tra phát hiện xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng; các cơ quan tố tụng đã tích cực điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Tuy nhiên, các hành vi tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành nhiệm vụ vẫn còn xảy ra... Nguyên nhân chủ quan là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN vẫn còn một số hạn chế, thiếu sự phối hợp giữa các cấp các ngành. Nội dung tuyên truyền chưa phong phú; nhiều nơi thực hiện chưa thường xuyên, chưa có sự tác động làm thay đổi căn bản nhận thức phòng chống lợi dụng chức vụ, quyền hạn của một số cán bộ, công chức. Việc tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân trong PCTN vẫn còn hạn chế. Vì vậy, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN trên địa bàn tỉnh là vấn đề cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng cần dựa trên quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; quy định của Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật mới, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của các chính sách, quy định của pháp luật, theo chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng; tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về PCTN”.

Đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN theo hướng đa dạng hóa các hình thức thực hiện, áp dụng linh hoạt theo nhu cầu của từng đối tượng, phù hợp với từng địa bàn, như tuyên truyền trực tiếp; tư vấn pháp luật PCTN; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật PCTN; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật PCTN; lồng ghép trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; tuyên truyền qua loa phát thanh, pano, khẩu hiệu… tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi pháp luật. Khuyến khích các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đơn giản nhưng sâu sắc và giàu thông điệp, các hình thức truyền thông đa phương tiện phù hợp với cán bộ, công chức và nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên báo chí và các phương tiện truyền thông thông qua việc tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, thời lượng phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình.

Tăng cường vai trò của Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng hoạt động thường xuyên hơn. Phát huy hiệu quả hoạt động, vai trò tư vấn của Hội đồng các cấp; tăng cường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, hoạt động của Hội đồng, đảm bảo cơ chế làm việc tiết kiệm thời gian, linh hoạt, hiệu quả.

Phong lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới