Những ngày qua, số lượng xe chở hàng nông sản xuất khẩu tăng đột biến tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong khi thời gian làm thủ tục thông quan kéo dài, năng lực thông quan hạn chế dễ gây ra tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu. Dự báo trong thời gian tới, phương tiện đường bộ chở hoa quả và nông sản xuất khẩu sẽ tiếp tục dồn về các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc, nguy cơ xảy ra tình trạng ùn ứ hàng nông sản xuất khẩu, gia tăng chi phí, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.
Chủ động thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của tỉnh, hạn chế tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc với Trung Quốc, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy trình kỹ thuật ngay từ khâu thu hái, sơ chế, đóng gói… nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm và hạn chế tình trạng nông sản tươi của tỉnh Sơn La (xoài, nhãn, chuối…) lên tới cửa khẩu phải quay về do không đáp ứng yêu cầu, quy định của phía Trung Quốc.
Các sở, ngành của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Công Thương, UBND các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về thị trường, các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu và tình hình thông quan của các cửa khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
UBND các huyện, thành phố triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các loại nông sản đang trong thời vụ thu hoạch tại thị trường trong nước, phát triển chế biến và mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh Sơn La vào các hệ thống phân phối trong và ngoài nước (Co.op Mart, BigC-Go, Winmart…), trên các sàn thương mại điện tử.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bảo đảm đầy đủ, khách quan, kịp thời nhằm phản ánh đúng bản chất tình hình để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ và có biện pháp ứng phó kịp thời, tránh bị thiệt hại. Thông tin tới các doanh nghiệp, HTX có hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc lưu ý thực hiện tốt các nội dung: Nghiêm chỉnh chấp hành điều tiết của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu để giải quyết tình trạng ùn tắc; kê khai đúng, đủ các thủ tục thông quan theo quy định; đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu ngay từ khâu thu hái, đóng gói.
Các ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố tiếp tục triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân sản xuất nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy cách, quy định theo nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng cường hướng dẫn cho các tổ chức cá nhân đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu, quy định của nước nhập khẩu. Hướng dẫn doanh nghiệp, HTX của tỉnh đáp ứng các quy định về nhập khẩu thực phẩm của Trung Quốc trong sản xuất nông nghiệp, chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch. Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng Logistics phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thúc đẩy xuất khẩu nông sản theo hình thức chính ngạch, đa dạng hóa các phương thức vận tải hàng nông sản xuất khẩu (đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không). Tiếp tục thu hút, hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư nhà máy, cơ sở chế biến nông sản với quy mô công nghiệp, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại gắn với phát triển khu, cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu. Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm nông sản tham gia quảng bá, kết nối tiêu thụ tại các hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tập trung cao xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh; đẩy mạnh việc thực hiện đăng ký bảo hộ tại nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ. Chú trọng cấp, quản lý đánh giá, giám sát mã số vùng trồng theo quy định; hoàn thiện quy trình sản xuất và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo chất lượng nông sản.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!