Chăm sóc người khuyết tật là trách nhiệm của cả cộng đồng

Hiện nay, tỉnh ta có khoảng 30.000 người khuyết tật do bẩm sinh, bệnh tật, hậu quả chiến tranh và do tai nạn lao động... Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội đã thường xuyên quan tâm chăm sóc, trợ giúp và bảo vệ quyền người khuyết tật trên địa bàn. Ngoài các chính sách của Đảng và Nhà nước về trợ cấp xã hội, hằng năm, nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức từ thiện, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ người khuyết tật phương tiện đi lại, công cụ lao động, tiền mặt... trị giá hàng tỷ đồng, từng bước giúp họ thêm nghị lực và niềm tin, vượt qua khó khăn, mặc cảm, vươn lên hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

Tuy nhiên, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận không nhỏ người khuyết tật còn gặp khó khăn do không có việc làm và thu nhập, phần lớn sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội. Nhiều người khuyết tật vẫn khó khăn trong tiếp cận với các dịch vụ y tế, nhất là người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa khó khăn, điều kiện đi lại không thuận tiện. Mặt khác, các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật còn thiếu. Hơn nữa “rào cản” của người khuyết tật khi tham gia học nghề, tìm việc làm là do có hoàn cảnh khó khăn, trình độ hạn chế nên dù có chính sách hỗ trợ nhưng họ vẫn không thể tự đảm bảo các chi phí cần thiết cho việc học nghề và tạo việc làm. Nhận thức của một số đơn vị, doanh nghiệp về việc tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc còn hạn chế.

Trước hết, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Người khuyết tật nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc quan tâm, trợ giúp người khuyết tật. Thực hiện đầy đủ chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên theo quy định của Nhà nước cho các đối tượng bảo trợ xã hội, đảm bảo không bỏ sót người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp. Hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ, phát hiện và tạo điều kiện phẫu thuật chỉnh hình sớm cho những người tàn tật vận động để hoà nhập cộng đồng. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người khuyết tật thông qua các hoạt động kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ tiền, vật chất cho các hoạt động thăm, tặng quà, hỗ trợ khám, chữa bệnh, làm nhà... cho người khuyết tật. Tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tham gia chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình việc làm, tiếp cận các công trình công cộng, các phương tiện giao thông, thông tin và viễn thông. Cùng với công tác từ thiện cần xây dựng nhiều mô hình hoạt động hướng đến việc hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, nhất là việc vận động các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tạo điều kiện giúp đỡ để người khuyết tật có thể vào làm việc, giúp họ có thu nhập ổn định. Tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi, giải trí thiết thực, với các hình thức linh hoạt phù hợp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người khuyết tật...

Ngày Người khuyết tật 18/4 là dịp để các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức và cá nhân thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới