“Thuốc lá hay sức khỏe”

Với những tác hại từ thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới lấy ngày 31/5 hàng năm làm “Ngày Thế giới không thuốc lá”; Việt Nam lấy các ngày từ 25 - 31/5 hàng năm làm “Tuần lễ quốc gia không khói thuốc lá”. “Việc sử dụng thuốc lá không chỉ gây hại đến sức khỏe mà còn gây tổn hại đến kinh tế, môi trường, giáo dục và bình đẳng xã hội, đồng thời là một rào cản lớn của sự phát triển bền vững ở tất cả các quốc gia.

Đây là thời điểm mà tất cả các nhà lãnh đạo các quốc gia cần phải thực hiện các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ người dân khỏi nạn dịch thuốc lá”. Đó là phát biểu của ông Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tại Hội nghị toàn thế giới về phòng, chống tác hại thuốc lá lần thứ 17 năm 2018 lấy chủ đề “Thuốc lá hay sức khoẻ”, kêu gọi sự nỗ lực của các quốc gia cùng hành động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Những năm qua, các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động cán bộ, viên chức, các tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã được Quốc hội nước ta thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 5 năm 2013. Đồng thời, truyên truyền để các thành viên trong xã hội nhận thức rõ tác hại của việc hút thuốc lá và bảo vệ sức khỏe của những người không hút thuốc lá khỏi những ảnh hưởng có hại và nguy cơ phơi nhiễm với khói thuốc lá.

Theo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, nếu người hút thuốc lá ở những địa điểm cấm hút thuốc lá (bao gồm: Cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em, cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao, nơi làm việc, nhà đợi xe, bến cảng, sân bay, thư viện, phương tiện giao thông công cộng...) sẽ bị cảnh cáo hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Quy định là vậy, nhưng trong thực tế hiện nay, nhiều người vẫn vô tư hút thuốc tại những nơi công cộng mà chưa bị xử phạt theo pháp luật. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm hút thuốc lá là do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao. Trong khi đó, việc phân công trách nhiệm, thi hành kiểm tra và xử phạt chưa rõ ràng; chưa có chế tài cụ thể để xử phạt nên việc thực hiện theo luật là rất khó khăn, thiếu tính răn đe đối với người vi phạm.

Với 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất là tác nhân gây ung thư, người hút thuốc lá và những người hít phải khói thuốc lá dễ mắc các căn bệnh nguy hiểm như: Bệnh tim mạch, tạo ra mảng xơ vữa, tổn thương lòng mạch, gây viêm tắc mạch máu, gây đau nhức chân tay, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, giảm trí thông minh. Bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư phế quản, phổi (chiếm 90%), ung thư vòm họng, miệng, thực quản, ung thư ruột... Do vậy, hàng năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến khói thuốc lá.

Để xây dựng môi trường không khói thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trước hết, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, người dân nâng cao nhận thức và thực thi nghiêm các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; nghiêm túc chấp hành quy định về thực hiện môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc; nghĩa vụ công dân trong phòng chống tác hại của thuốc lá; nghĩa vụ của người hút thuốc; quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị và xác định đó là một trong những tiêu chí xét thi đua hàng năm đối với cán bộ, viên chức, hội viên, đoàn viên và người lao động.

Thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc là việc cần làm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hút thuốc lá là tự làm hại sức khỏe chính mình và cộng đồng, hãy nói không với khói thuốc lá.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới