“Sơn La chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đạt kết quả khả quan và bền vững hơn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm dần qua các năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) giảm từ trên 34% (năm 2015) xuống còn 31,91% (cuối năm 2016).

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý, triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu về giảm nghèo còn chưa chặt chẽ. Số hộ có nguy cơ tái nghèo vẫn còn; việc huy động và sử dụng các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo có nơi chưa hiệu quả. Toàn tỉnh còn 5/12 huyện, thành phố, 99/204 xã, phường, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 40%.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh ta đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với nhiều nội dung phong phú. Tuy vậy để phong trào đạt hiệu quả cao, trước hết, các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về nội dung, mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh bình quân 3%/năm; các huyện nghèo, xã nghèo giảm 5%/năm; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo. Việc thực hiện phong trào thi đua phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi ngành, mỗi địa phương; phát huy tinh thần tự nguyện, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân. Huy động các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp có những việc làm thiết thực tham gia đóng góp công sức trí tuệ, của cải vật chất hỗ trợ, giúp đỡ địa phương, cơ sở, cộng đồng và các hộ gia đình giảm nghèo và thoát nghèo.

Các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tỉnh, các lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua giảm nghèo. Các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn căn cứ điều kiện thực tiễn của địa phương đề ra nội dung, giải pháp giảm nghèo, bố trí và huy động tối đa nguồn lực cho phát triển kinh tế, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu; gắn phong trào thi đua thực hiện chương trình giảm nghèo với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày cả nước vì người nghèo 17/10 hằng năm”. Các bản, tiểu khu, cộng đồng dân cư thi đua đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và từng bước làm giàu, hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Các hộ gia đình thi đua chủ động vượt khó vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Truyền thống nhân ái, yêu thương đùm bọc, sẻ chia luôn là một nét đẹp của tâm hồn và cốt cách người Việt Nam. Phong trào thi đua “Sơn La chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020, thể hiện tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới