Xuân Canh Tý năm 1960, Bác Hồ kêu gọi toàn dân hưởng ứng Tết trồng cây: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Kể từ đó đến nay, Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, được mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng vào dịp đầu Xuân.
58 năm qua, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, toàn Đảng, toàn dân ta lại hưởng ứng lời kêu gọi của Người, nhà nhà trồng cây, người người trồng cây. Đây là hoạt động có ý nghĩa lớn lao và thiết thực nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu; là hoạt động truyền thống nhằm tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ và phát triển vốn rừng, góp phần tăng nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai lũ lụt, hạn hán, cải tạo môi sinh, môi trường, điều hòa khí hậu, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo việc làm và xóa đói, giảm nghèo.
Trong những năm qua, cán bộ, chiến sỹ các LLVT và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn hưởng ứng và tổ chức Tết trồng cây đầu Xuân, đồng thời triển khai nhiệm vụ trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng một cách nghiêm túc, hiệu quả, từng bước tạo nên sự phát triển mới đối với nghề rừng, góp phần ổn định, phát triển kinh tế của tỉnh nhà, đáp ứng vai trò rừng phòng hộ đầu nguồn các công trình thủy điện trên địa bàn và bảo vệ môi sinh. Các cấp, các ngành, các địa phương đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chuyển lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp nhân dân, đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, dần từng bước tạo lập được vùng rừng phòng hộ tập trung cũng như quản lý bảo vệ, khoanh nuôi và trồng rừng. Nhiều diện tích rừng được phục hồi tái sinh, nhiều diện tích đất nương rẫy bạc màu được chuyển đổi theo mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, vừa tạo điều kiện hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, vừa góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Để chuẩn bị tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” trong dịp Tết Nguyên đán Xuân Mậu Tuất năm 2018, ngay từ đầu năm, tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2018 theo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017. Theo đó, tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng. Việc tổ chức “Tết trồng cây” phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Để phát triển nghề rừng đáp ứng được mục tiêu: Kinh tế, xã hội - môi trường - an ninh, cần phát huy có hiệu quả các nguồn lực, nhất là làm tốt thu hút đầu tư, xây dựng quỹ phát triển rừng nhằm xây dựng ổn định các loại rừng, đảm bảo nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, phấn đấu tăng độ che phủ rừng. Trong đó, tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tận dụng tiềm năng đất đai, lao động, đẩy mạnh công tác trồng, cải tạo, tăng năng suất và chất lượng rừng trồng thông qua các biện pháp kỹ thuật lâm sinh tiên tiến. Thực hiện đồng bộ các chính sách về giao rừng, cho thuê rừng nhằm huy động các nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời tổ chức thực hiện tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng để đẩy nhanh xã hội hóa nghề rừng góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, tạo việc làm, cải thiện nâng cao đời sống, từng bước giảm nghèo cho người làm nghề rừng, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng di dân tái định cư các công trình thủy điện trên địa bàn. Cùng với đó, kiểm tra, quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học trong ươm các loại cây giống phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng miền, gắn chặt chẽ việc trồng rừng với việc trồng cây ăn quả trên đất dốc. Đồng thời tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật, các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền cơ sở duy trì thường xuyên việc kiểm tra các địa bàn trọng điểm về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, có biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng như sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ, phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và khi cháy rừng xảy ra.
Tích cực hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đầu xuân năm Mậu Tuất 2018 là hành động thiết thực, có ý nghĩa to lớn và thiết thực của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ và Đoàn công tác của Chính phủ thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La (7/5/1954 - 7/5/2019).
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!