Với thông điệp “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã trở thành phong trào lớn của toàn xã hội, là hoạt động đầy ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn, nhằm cứu giúp người bệnh trong cơn nguy kịch. Từ sự thiết thực đó, năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 7/4 hàng năm là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện.
Phong trào hiến máu tình nguyện đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên. Chỉ tính trong năm 2017, Ban chỉ đạo cuộc vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã tổ chức 6 đợt vận động hiến máu tình nguyện, thu nhận được 3.300 đơn vị máu. Công tác tuyên truyền, vận động mọi người tham gia hiến máu, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên được đẩy mạnh.
Tinh thần hiến máu tình nguyện đang lan tỏa trong cộng đồng, ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên, cán bộ hội viên, người dân hiểu đúng, có nhận thức đầy đủ và sẵn sàng tham gia hiến máu tình nguyện.
Tuy nhiên, lượng máu hiến vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của người bệnh. Các bệnh viện hiện nay luôn trong tình trạng thiếu máu để điều trị cho người bệnh. Mặt khác, nhu cầu truyền máu ngày càng tăng cao do nhiều kỹ thuật y học hiện đại được triển khai như: ghép tạng, ghép tủy, chạy thận nhân tạo, tiến hành các ca phẫu thuật lớn, điều trị nhiều mặt bệnh về bệnh máu.
Hiến máu tình nguyện là một việc làm rất đáng trân trọng và cần thiết trong xã hội, thể hiện truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc. Vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện và tác dụng của máu trong cấp cứu người bệnh. Đồng thời, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân giữ gìn sức khoẻ để giúp đỡ người thân, gia đình và xã hội, xem việc hiến máu cứu người là nghĩa cử nhân ái cao đẹp của mỗi người trong cộng đồng, đưa phong trào hiến máu tình nguyện trở thành việc làm thường xuyên, mang tính bền vững. Tham mưu, để xuất và tổ chức tuyên truyền tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện, tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4), Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu (14/6), Lễ hội Xuân Hồng - 2018, Chiến dịch những giọt máu hồng Hè - 2018.
Các đơn vị nằm trong kế hoạch hiến máu của tỉnh cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền trước khi tổ chức Ngày hội Hiến máu; lập danh sách người đăng ký hiến máu tình nguyện của đơn vị, đăng ký với Hội Chữ Thập đỏ tỉnh (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) để phối hợp với các bệnh viện tổ chức hiến máu an toàn, đạt kết quả cao. Các ngành thành viên Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện của tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên, thành viên của ngành, của tổ chức mình tự nguyện tham gia hiến máu tình nguyện. Theo kế hoạch năm 2018, tỉnh ta sẽ tổ chức 11 đợt hiến máu tình nguyện tại tuyến tỉnh, với chỉ tiêu 7.000 người đăng ký hiến máu; tổ chức tiếp nhận 3.500 đơn vị máu. Đối với tuyến huyện, thành phố mỗi địa phương đăng ký và hiến máu tình nguyện trên 100 đơn vị máu.
Hiến máu tình nguyện không còn là trách nhiệm, bổn phận riêng của một cá nhân cụ thể nào mà rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Các cấp, các ngành, các địa phương cần kêu gọi mọi cá nhân, mọi tập thể hăng hái hưởng ứng phong trào hiến máu cứu người bệnh, coi đó là trách nhiệm và bổn phận thiêng liêng của mỗi chúng ta.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!