Tư vấn ly hôn theo yêu cầu của một bên

Câu hỏi tình huống: Vợ chồng tôi cưới nhau được hơn 1 năm, có 1 con chung và giờ muốn ly hôn, nhưng cả vợ và chồng đều muốn giành quyền nuôi con sau ly hôn. Tìm hiểu được biết, người cha không được nuôi con khi người con dưới 36 tháng tuổi. Vì thế, tôi quyết định khi con tôi được 3 tuổi, mới nộp đơn ly hôn. Thời gian này, vợ và con về nhà mẹ đẻ sống không cho tôi gặp và không nhận tiền chu cấp cho con. Vậy sau 3 năm, khi ra tòa tôi có cơ hội nuôi con không? Bây giờ vợ tôi muốn đơn phương ly hôn, nhưng mọi giấy tờ do tôi giữ thì nộp đơn Tòa án có chấp nhận không?

Trả lời: Vấn đề Tòa án có giải quyết cho ly hôn không?

             

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình thì vợ hoặc chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Trong đó, ly hôn theo yêu cầu của một bên (đơn phương ly hôn), là sự mong muốn chấm dứt mối quan hệ hôn nhân và gia đình từ một phía.

             

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên:

             

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành, thì Tòa án giải quyết cho ly hôn, nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

             

Theo quy định trên, khi một bên gửi yêu cầu ly hôn đến Tòa án thì sau khi thụ lý đơn Tòa án sẽ tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Nếu hòa giải không thành mà có căn cứ cho thấy vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình làm cho tình trạng hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng và hai bên không thể tiếp tục sống chung, mục đích hôn nhân không đạt được thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

             

2. Để giải quyết vụ việc ly hôn thuận tình hay đơn phương thì trước tiên vợ, chồng cần hoàn thành hồ sơ để Tòa án thụ lý vụ án. Trường hợp vợ bạn muốn đơn phương ly hôn, nhưng bạn giữ tất cả các giấy tờ thì cần xem xét hồ sơ ly hôn:

             

+ Đơn ly hôn có thể viết tay, đánh máy hoặc mua từ Tòa án, các văn phòng luật.

             

+ Căn cước công dân (CCCD) hoặc chứng minh nhân dân (CMND), hộ khẩu. Khi ly hôn đơn phương thì chỉ cần CCCD hoặc CMND của người làm đơn và bên còn lại không cần. Sổ hộ khẩu, người làm đơn có thể liên hệ với công an cấp xã nơi người đó thường trú xác nhận rằng là nhân khẩu thường trú tại địa phương và người làm đơn có thể làm một đơn riêng, cũng có thể nhờ công an xác nhận ngay vào đơn xin ly hôn.

             

+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, người làm đơn có thể đến UBND xã/phường nơi đăng ký kết hôn để yêu cầu trích lục lại.

             

+ Về giấy khai sinh của các con, người làm đơn có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký khai sinh để xin cấp bản sao.

             

+ Về bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản), trong quá trình giải quyết ly hôn tại Tòa án, người yêu cầu ly hôn có thể đề nghị Tòa án yêu cầu đối phương cung cấp và đưa ra những giấy tờ đang giữ về những tài sản chung của vợ chồng.

             

Do vậy, dù không có đầy đủ giấy tờ do một bên giữ thì bên còn lại vẫn có thể hoàn thành hồ sơ ly hôn để thực hiện ly hôn đơn phương. Trường hợp bạn giữ tất cả các giấy tờ và vợ bạn muốn đơn phương ly hôn, thì Tòa án có thể thụ lý và giải quyết cho ly hôn.

             

Vấn đề nuôi con dưới 36 tháng tuổi

             

Khoản 2, 3,  Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về quyền nuôi con sau ly hôn, như sau:

             

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

             

+ Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi, căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

             

+ Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

             

Như vậy, sau khi ly hôn quyền nuôi con sẽ do hai vợ chồng bạn trực tiếp thỏa thuận nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giao con trực tiếp cho một bên nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, con dưới 3 tuổi sẽ giao cho mẹ nuôi, con từ đủ 7 tuổi trở lên phải xem xét nguyện vọng của con.

             

Trường hợp con đủ 36 tháng đến dưới 7 tuổi thì Tòa án sẽ căn cứ vào các giấy tờ, tài liệu của bố mẹ để chứng minh về tình cảm, nơi ở, thời gian, sức khỏe để quyết định ai sẽ giành được quyền nuôi con.

             

Duy Tuyên (Trung tâm TGPL)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới