Bạn của bà con nông dân

Những năm qua, đội ngũ cán bộ khuyến nông huyện Yên Châu luôn đồng hành và trở thành người bạn thân thiết của bà con nông dân; sâu sát với cơ sở, từ vùng thấp đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, ở địa bàn thuận lợi hay những bản làng vùng đặc biệt khó khăn, giúp người nông dân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập.

 

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn mô hình nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Yên Châu. 

Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, những cán bộ khuyến nông thường xuyên học hỏi nâng cao trình độ, tiếp thu các kỹ thuật mới trong sản xuất. Trong năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức 12 đợt sinh hoạt chuyên môn cho gần 430 lượt người tham gia; cử 24 cán bộ khuyến nông tham dự các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông Trung ương, tỉnh tổ chức. Với những kiến thức về kỹ thuật được trang bị và kỹ năng nghề nghiệp, đội ngũ cán bộ khuyến nông đã tích cực bám sát cơ sở, khảo sát nhu cầu tập huấn chuyển giao kỹ thuật của nông dân để triển khai phù hợp, hiệu quả ở từng địa bàn. Họ không quản ngại thời tiết thất thường, bất kể rét mướt, vẫn lội ruộng, hướng dẫn nông dân gieo mạ, che chắn bảo vệ để chuẩn bị cho vụ mới hay gia cố chuồng trại, dự trữ thức ăn, chống rét cho đàn vật nuôi; thậm chí kể cả nửa đêm, khi các hộ nông dân có nhu cầu trợ giúp, họ cũng có mặt làm “bà đỡ” cho trâu, bò sinh sản. Với việc xây dựng mô hình cũng vậy, đều phải khảo sát điều kiện thực tế để triển khai nhằm sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, huy động nội lực của các hộ nông dân, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Để hoàn thành xây dựng mỗi mô hình, cần làm tốt từ các khâu lựa chọn các hộ tham gia, chuyển giao kỹ thuật, chọn giống, hướng dẫn các hộ ghi chép quá trình triển khai, thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện, tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm và cho các hộ khác đến tham quan, học tập để áp dụng. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng mỗi năm, đội ngũ cán bộ khuyến nông huyện Yên Châu chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho hàng nghìn lượt nông dân; xây dựng hàng trăm mô hình kinh tế hiệu quả. Riêng năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với các công ty giống, Viện Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông và các đại lý giống cây trồng tổ chức tổ chức 290 tập huấn cho hơn 15.400 lượt nông dân; tư vấn 110 cuộc cho trên 10.160 lượt nông dân; tổ chức 27 cuộc hội thảo với 3.000 người tham gia tiếp thu kỹ thuật sản xuất nông, lâm, thủy sản, như: Kỹ thuật ủ phân vi sinh bằng chế phẩm EMUNIC; cấy lúa cải tiến theo phương pháp SRI; cách phòng chống rét cho vật nuôi; thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP; nuôi ong mật chất lượng cao... Trạm đã triển khai thực hiện 15 mô hình, chương trình khuyến nông từ nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh và huyện; tư vấn hướng dẫn và phối hợp xây dựng 46 mô hình tự nguyện với 71 hộ tham gia; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xây dựng 24 mô hình khuyến nông với 482 hộ tham gia. Tiêu biểu, như: Mô hình nuôi ong mật chất lượng cao tại xã Chiềng Sàng, gồm 5 hộ tham gia, quy mô mỗi hộ 20 thùng ong, hiện nay đàn ong phát triển lên 143 đàn, năng suất mật bình quân 19,95 kg/đàn/3 tháng khai thác; mô hình thâm canh xoài theo hướng VietGAP tại bản Lắc Kén, sản lượng xoài đạt 65 tấn/3ha; mô hình chanh leo tổng diện tích là 8 ha với 43 hộ tham gia, trong năm các hộ đã thu hoạch gần 18 tấn chanh leo, bán với giá trung bình 15.000 đồng/kg; thực hiện mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, Trạm Khuyến nông đã tiến hành bàn giao 20 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại 11 xã. Ngoài ra, còn thực hiện Dự án phát triển bền vững tại các xã Sặp Vạt và Tú Nang, gồm các mô hình nuôi dê, trồng xoài, nhãn, ủ phân vi sinh; hiện nay mô hình phát triển tốt và đang được nhân rộng. Năm qua, Trạm đã tư vấn và hỗ trợ hơn 400 triệu đồng cho nông dân xây dựng hơn 100 công trình bể khí sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi...

Tiếp tục bám sát nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, Trạm Khuyến nông huyện Yên Châu xây dựng chương trình kế hoạch hoạt động sát thực tế; chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông từ huyện đến cơ sở; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật; vận động nông dân phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi và thực hiện các chương trình khuyến nông, góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả.

Minh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới