Như thông tin từ cơ quan Khí tượng thủy văn đã dự báo, năm 2017-2018, sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại xảy ra. Để chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc trong mùa đông, cán bộ Trạm Khuyến nông Thành phố đã đồng hành cùng nông dân triển khai nhiều biện pháp hiệu quả phù hợp với tập quán sinh hoạt và chăn nuôi địa phương.
Cán bộ Trạm Khuyến nông thành phố hướng dẫn người dân xã Chiềng Xôm
cách ủ rơm với urê làm thức ăn cho gia súc mùa đông.
Chị Nguyễn Thanh Huyền, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thành phố, cho biết: Dự trữ thức ăn và làm chuồng nuôi nhốt gia súc đảm bảo được xem là những biện pháp hữu hiệu nhất trong phòng chống đói rét cho đàn gia súc trong mùa đông. Vì thế, ngay từ tháng 11/2017, tập thể cán bộ Trạm đã chia ra làm nhiều tổ tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tham gia mô hình khuyến nông tự nguyện về chăm sóc đàn vật nuôi. Đến thời điểm này, Trạm đã xây dựng được 5 mô hình khuyến nông tự nguyện ở 15 hộ chăn nuôi trên địa bàn phường Chiềng Sinh và các xã: Chiềng Ngần, Chiềng Xôm, Chiềng Cọ.
Tham gia cùng cán bộ khuyến nông trong buổi hướng dẫn người dân cách giữ ấm cho gia súc trong mùa đông, mới thấy hết sự nhiệt tình của họ vì công việc. Không chỉ dừng lại ở lý thuyết tuyên truyền chung chung, mà mỗi cán bộ khuyến nông đều bắt tay vào làm từng việc, từng công đoạn cụ thể để người dân làm theo đảm bảo đúng kỹ thuật. Anh Cà Văn Phong, bản Hùn, xã Chiềng Cọ (Thành phố) là hộ tham gia mô hình khuyến nông tự nguyện, anh nói: Trước đây, vào mùa đông mưa gió, gia đình tôi vẫn thả rông trâu, bò ở ngoài trời. Hôm nay, được cán bộ khuyến nông đến tận nhà cùng làm và hướng dẫn cách làm chuồng trại, căng bạt, quây bạt để phòng tránh mưa và che chắn gió cho trâu, bò. Ngoài ra, tôi còn được hướng dẫn làm chất độn chuồng, đốt lửa sưởi ấm, mặc áo chống rét và đảm bảo vệ sinh chuồng trại.
Cùng với việc làm chuồng nuôi nhốt thì việc đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc cũng hết sức cần thiết. Anh Cà Văn Cương, ở xã Chiềng Ngần (Thành phố), đang nuôi 5 con bò. Những mùa đông trước, gia đình anh thường tận dụng các loại rơm rạ, thân cây ngô, ngọn mía để làm thức ăn cho trâu bò. Tuy nhiên, với cách làm thông thường này, các loại thức ăn nói trên không giữ được lâu, lại kém chất dinh dưỡng. Năm nay, anh tham gia mô hình khuyến nông tự nguyện, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn phương pháp ủ chua thức ăn dự trữ cho bò ăn trong khoảng thời gian dài từ 3 - 5 tháng, giúp cho gia đình giảm được công chăn thả và giải quyết được vấn đề khan hiếm nguồn thức ăn trong những ngày mưa rét. Anh Cương chia sẻ: Phương pháp ủ chua tạo được nguồn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao. Theo dõi từ đầu mùa rét đến nay, đàn bò của gia đình tăng trọng nhanh hơn nuôi bình thường 20%, trong khi chi phí rẻ, mỗi lần ủ chua chỉ mất khoảng 80.000 - 100.000 đồng.
Chị Vũ Thị Minh Châu, cán bộ Trạm Khuyến nông Thành phố, cho biết: Ngoài việc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp góp phần làm sạch môi trường thì phương pháp ủ chua thức ăn cho gia súc còn có những ưu điểm là dự trữ nguồn thức ăn trong thời gian dài; thức ăn ủ chua lên men sẽ giúp cho vật nuôi tiêu hóa tốt, kích thích trâu bò ăn nhiều, nhanh lớn, tăng sức đề kháng.
Theo đó để thực hiện phương pháp này, người dân cần chuẩn bị các loại vật liệu như: Cỏ, rơm, thân cây ngô, cây sắn… băm nhỏ, khoảng 5 - 7 cm, phơi 1 ngày rồi ủ chua, với tỷ lệ 100 kg cỏ hoặc thân cây màu trộn với 5 kg cám ngô hoặc gạo, 0,5 kg muối hạt, 1 kg đường mật. Thời gian ủ 1 tuần là có thể cho trâu, bò ăn được; bảo quản trong vòng 6 tháng. Mỗi ngày, một con trâu, bò trưởng thành sử dụng 10 - 15 kg thức ăn ủ kết hợp với ăn cỏ, hoặc 15 - 20 kg/ngày nếu nuôi nhốt hoàn toàn. Ngoài ra, Trạm Khuyến nông Thành phố còn hướng dẫn người dân cách ủ rơm với urê để bò ăn, phương pháp này làm hàm lượng đạm trong rơm tăng hơn 2 lần. Trước khi thực hiện ủ, người dân cần xây một hố ủ trên nền xi măng, tốt nhất có 2 ngăn đối nhau. Cũng có thể lợi dụng góc bỏ hoang, kho hoặc chuồng trại. Dung tích hố ủ tuỳ theo lượng rơm cần ủ. Với cách làm: Pha tan đều urê vào nước theo tỷ lệ 4 kg urê và 80-100 lít nước để trộn vào 100 kg rơm khô, sau đó rải rơm theo lớp dày 20cm. Cứ sau mỗi lớp, dùng ô doa tưới đều nước urê sao cho ướt đều rơm, lấy cào đảo qua đảo lại và dùng chân dậm nén cho chặt, làm như vậy cho đến khi hết rơm và hết nước. Cuối cùng, dùng tấm nilon phủ kín trên hố ủ, sao cho không khí và nước mưa bên ngoài không lọt vào và khí amôniắc bên trong không bay ra. Sau khi ủ 7-10 ngày, có thể lấy rơm cho trâu bò ăn. Lấy xong lại đóng kín hố ủ, mỗi con trâu bò có thể ăn 10 kg - 15 kg rơm ủ mỗi ngày. Yêu cầu rơm ủ urê phải mềm, mùi thơm nhẹ, màu vàng gần với màu tự nhiên của rơm trước khi ủ. Lúc đầu, một số trâu, bò không thích ăn, nên những ngày đầu cho ăn 1-2 kg rơm ủ urê với cỏ rồi tăng dần theo khẩu phần của trâu bò.
Thời gian tới, Trạm Khuyến nông Thành phố tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình khuyến nông tự nguyện hiệu quả, để trang bị kiến thức, kỹ thuật cần thiết cho nhân dân cách bảo vệ đàn gia súc, góp phần phát triển chăn nuôi gia súc trên địa bàn an toàn và bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!