Cùng với việc phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, dạy nghề, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tạo việc làm cho lao động, những năm qua, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, còn phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh, huyện tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp lao động trên địa bàn có việc làm ổn định tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Lò Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh, cho biết: Xã có hơn 2.300 người trong độ tuổi lao động. Hằng năm, xã chỉ đạo các bản rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm, lao động chưa qua đào tạo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đề xuất với UBND huyện và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện kết nối với các trung tâm, đơn vị đào tạo, dạy nghề, tập huấn cho lao động địa phương. Đặc biệt ưu tiên dạy nghề, giới thiệu việc làm cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các đơn vị được cấp phép tư vấn lao động có thời hạn ở nước ngoài về xã và một số bản, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các đơn vị được cấp phép đã tư vấn việc làm cho trên 300 lượt lao động địa phương. Tính từ năm 2020 đến nay, xã có hơn 230 người đi làm việc thường xuyên tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bình Dương... có 6 lao động đi xuất khẩu tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaisia... Nhiều lao động có thu nhập khá đã thoát nghèo, mua sắm được đồ dùng sinh hoạt, sửa chữa hoặc xây mới nhà ở khang trang.
Có con trai và con dâu đi xuất khẩu lao động tại Malaisia từ năm 2017 đến nay, ông Cầm Văn Hiên, bản Cà Nà, xã Mường Chanh, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, ít đất sản xuất nên cuộc sống nhiều khó khăn. Sau khi tham gia ngày hội tư vấn việc làm do huyện tổ chức, con tôi đã đăng ký, nộp hồ sơ làm việc ở Malaisia, với vị trí nhân viên kinh doanh; thu nhập bình quân từ 20-25 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, con tôi gửi về từ 10 - 15 triệu đồng. Số tiền này, tôi dành dụm để đầu tư cải tạo nương cà phê, phát triển chăn nuôi, gia đình tôi đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.
Còn anh Cầm Văn Khoa, cùng bản Nà Cà, thông tin: Vì điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, đất nương sản xuất hạn chế, năm 2020, sau khi tham gia hội nghị tuyên truyền, thông tin thị trường lao động do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức, vợ chồng tôi đăng ký, làm hồ sơ đi làm công nhân ở Công ty TNHH SEOJINAUTO, khu công nghiệp Đại Đồng, tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay, thu nhập của vợ chồng tôi từ 18 - 20 triệu đồng/tháng. Sau hơn 3 năm đi làm, gia đình đã thoát nghèo và xây được ngôi nhà ở mới khang trang.
Bên cạnh đó, xã vận động nhân dân canh tác hiệu quả 140 ha đất sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn kỹ thuật cải tạo vườn tạp bằng cây nhãn ghép, xoài ghép, cam, bưởi.... Hiện nay, nhân dân trong xã thâm canh, chăm sóc hơn 140 ha lúa, gần 148 ha cây ăn quả, 450 ha cây cà phê. Ngoài ra, còn đầu tư chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng.
Từ các nguồn vốn hỗ trợ, dự án, chương trình, nguồn kinh phí của địa phương được giao hằng năm, xã còn hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho các quân nhân xuất ngũ, hộ nghèo; đào tạo nghề cho học sinh đã tốt nghiệp THPT... Từ năm 2022 đến nay, đã tạo việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động; nhiều hộ xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả, có thu nhập cao. Ngoài ra, trên địa bàn xã có 5 HTX nông nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4 - 12 triệu đồng/người/tháng.
Thành lập năm 2017, HTX Xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh mỗi năm thu mua và chế biến từ 15.000 - 18.000 tấn quả cà phê tươi cho bà con trong xã; tạo việc làm cho 20 - 25 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 6 - 14 triệu đồng/người/tháng. Anh Vũ Xuân Hùng, quản lý HTX, cho biết: HTX có 19 thành viên, hằng năm, HTX cung cấp phân bón trả chậm cho bà con trồng cà phê trong xã và đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản lượng cà phê. Nhiều lao động địa phương gắn bó với HTX từ những ngày đầu, có mức thu nhập ổn định.
Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương đã góp phần nâng mức thu nhập bình quân trên địa bàn xã lên 45 triệu đồng/người/năm, giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 2,65%. Đây là điều kiện thuận lợi để xã Mường Chanh phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!