Chúng tôi háo hức khi lần đầu tiên được tham gia phiên chợ ven sông Đà ở xã Chiềng Hoa, huyện Mường La. Chợ họp đều đặn một tháng ba phiên vào các ngày mùng 1, 11, 21 hằng tháng và dần trở thành nếp sinh hoạt, nét văn hóa đặc trưng của nhân dân vùng lòng hồ Sông Đà.
Chợ phiên ở đây được bố trí trên bãi đất sát bến sông thuộc địa phận bản Tả, không gian không quá rộng và các gian hàng cũng mộc mạc và gần gũi. Từ sáng sớm, nhân dân trong xã và tiểu thương từ trung tâm huyện lên đã sắp xếp, bày biện những sản vật địa phương, như: Gạo nếp nương, thịt lợn bản, các loại rau, măng, mật ong rừng, quần áo, đồ dùng gia đình, vật dụng sinh hoạt và dụng cụ lao động sản xuất…
Dưới sông, các thuyền chở hàng của các chủ thuyền kinh doanh đến từ các tỉnh Hòa Bình, thành phố Hà Nội đang neo đậu. Mỗi thuyền chở hàng có trọng tải trên 200 tấn, gồm ba tầng, tầng trên là khoang lái, tầng giữa giống như một “siêu thị mini” bày bán nhiều loại hàng hóa, nhu yếu phẩm, thiết bị điện tử, vật liệu xây dựng và tầng hầm được thiết kế phục vụ nhu cầu sinh hoạt, ăn uống của các thành viên trên thuyền. Các chủ thuyền kinh doanh đã bắc một chiếc cầu nhỏ để mọi người lên thuyền xem, mua hàng.
Buôn bán tại các chợ phiên dọc sông Đà đã 30 năm, mỗi chuyến, thuyền của bà Nguyễn Thị Hà xuất phát từ cảng Bích Hạ, thành phố Hòa Bình đi qua 8 bến dọc bờ sông Đà từ Phù Yên, Bắc Yên đến Mường La. Hết phiên, thuyền quay về Hòa Bình đóng hàng, rồi tiếp tục hành trình ngược lên thượng nguồn để buôn bán. Bà Hà, cho biết: Trước đây, chỉ có một thuyền mà cũng nên chợ. Bây giờ nhiều thuyền hơn, mặt hàng cũng đa dạng nên bà con trên này cũng đỡ vất vả. Bao năm gắn bó với các phiên chợ, tôi đã có thể nói được một số câu giao tiếp cơ bản bằng tiếng Thái, Mông, Mường.
Nhà ở bản Nặm Hồng, xã Chiềng Công, cách trung tâm chợ phiên gần 15 km, tháng nào anh Sồng A Vai cũng có mặt ở chợ phiên ba lần. Mỗi buổi chợ, lúc đi, trên gùi của anh chỉ có một vài củ măng rừng, mấy nải chuối chín, nhưng khi về anh mang đầy gùi nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt gia đình. Anh Vai bảo: Hàng hóa ở chợ phiên đa dạng, giá lại rẻ, nên cứ 10 ngày tôi lại đi chợ phiên để mua sắm đồ dùng, thức ăn cho gia đình.
Càng về trưa, chợ phiên càng đông vui hơn, nhân dân từ các bản xúng xính trong trang phục của dân tộc tấp nập đổ về phiên chợ. Ngoài giao lưu, gặp gỡ, bà con xem nhiều hơn cả là hàng thổ cẩm, váy hoa, kim tuyến, những hạt cườm đính phục vụ thêu thùa. Tại các hàng ăn uống cũng có khá đông thực khách. Họ thưởng thức những bát phở, bát bún nóng hổi, cùng nhau nâng những chén rượu men lá trong vắt, thơm nồng. Bà Cà Thị Yêu, chủ quán phấn khởi nói: Mỗi phiên chợ, quán tiếp đón từ 150 - 200 lượt khách, doanh thu cả ngày khoảng 5 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lù Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Hoa, cho biết: Chợ phiên của xã duy trì 10 ngày một phiên. Mỗi phiên chợ, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các mặt hàng bán tại chợ, tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng; tuyên truyền cho các chủ thuyền đảm bảo an toàn PCCC trên thuyền... Có chợ phiên, các mặt hàng nông sản của nhân dân làm ra có nơi tiêu thụ thuận lợi, bà con cũng mua sắm hàng thiết yếu phục vụ gia đình, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa các vùng, miền, cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Nắng ngả về chiều, chợ phiên dần vãn khách; trên các ngả đường mọi người hối hả trở về nhà, mang theo hàng hoá mua từ phiên chợ. Những con thuyền chở hàng lại nhổ neo tiếp tục cuộc hành trình đến những bến sông khác, mang hàng hóa phục vụ nhân dân dọc bờ sông Đà.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!