Xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn ở HTX Hưng Thịnh

Các hộ nông dân tham gia vào hợp tác xã (HTX) được trực tiếp sản xuất trên diện tích đất của gia đình theo quy hoạch; được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp theo quy trình VietGAP và HTX có trách nhiệm tìm đầu ra cho sản phẩm... Đó là cách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả ở HTX Hưng Thịnh, bản Tây Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu).

Thành viên HTX Hưng Thịnh chăm sóc vườn cam.

Bản Tây Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu) có hơn 80 hộ dân, phần lớn bà con trong bản đều là người ở tỉnh Thái Bình lên lập nghiệp. Trải qua những năm tháng xây dựng kinh tế mới, bà con đã đưa nhiều mô hình phát triển nông nghiệp vào trồng, như: Cây mận hậu, cây nhãn, trồng khoai lang, khoai sọ; tuy nhiên, việc trồng mang tính tự phát và quy mô nhỏ lẻ, kinh nghiệm trồng trọt còn hạn chế nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Năm 2016, một số hộ dân ở bản Tây Hưng được huyện Thuận Châu cử đi tham gia tập huấn kỹ thuật, sản xuất khoai lang, khoai sọ an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh, hỗ trợ nông dân phương thức tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của Dự án “Hỗ trợ cải thiện thu nhập cho người nông dân thông qua tái thiết nông nghiệp tổng hợp khu vực đồi núi” do Tổ chức phi lợi nhuận Nhật Bản mạng lưới kỹ thuật nông dân quốc tế phối hợp với Trường Đại học Tây Bắc và các đối tác địa phương triển khai thực hiện. Sau khi tham gia Dự án, các hộ dân đã tự tìm hiểu thị trường, nghiên cứu Luật HTX năm 2012 và được các cơ quan chuyên môn của tỉnh, của huyện hỗ trợ, tháng 5/2017, HTX Hưng Thịnh thành lập, gồm 9 thành viên tham gia, vốn điều lệ 650 triệu đồng, quy mô hơn 20 ha với các ngành nghề: Trồng khoai sọ, khoai lang, trồng cây ăn quả và dịch vụ nông nghiệp. Các thành viên HTX Hưng Thịnh được huyện tổ chức cho đi tham quan mô hình trồng cây ăn quả tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, các huyện Mộc Châu, Mai Sơn (Sơn La). Tại các buổi thăm quan, các thành viên tích cực học tập kinh nghiệm của các HTX tại các địa phương khác về phương pháp tiếp cận doanh nghiệp  trong ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; kinh nghiệm trong chuyển đổi HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012; khả năng cung ứng theo nhu cầu thị trường của các HTX; việc áp dụng quy trình kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất; quá trình chăm sóc, thu hoạch áp dụng theo quy trình VietGAP.

Các thành viên HTX đã tập trung đầu tư trồng cam cara ruột đỏ, nhãn ghép, mận hậu, khoai lang, khoai sọ theo mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường. Theo đó, thành viên HTX thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc diệt nấm đối kháng; tận thu các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như mùn, rơm phối trộn với chế phẩm sinh học, tạo nguồn phân hữu cơ hoai mục để sử dụng trong quá trình sản xuất. Hiện tại, HTX sử dụng phân hữu cơ của Nhật, phun thuốc trừ sâu sinh học và phun thuốc trừ bệnh bằng các chế phẩm Nano. Ban giám đốc HTX đã chia nhóm phụ trách từng mảng của HTX, như: Nhóm vật tư nông nghiệp, nhóm thu mua, nhóm kinh doanh, phụ trách kỹ thuật. Ban Hội đồng quản trị phụ trách chung, điều hành kinh tế và điều phối xuất nhập khẩu và HTX hoạt động theo cơ chế khoán... Sau hơn 2 năm hoạt động, HTX cung cấp ra thị trường gần 720 tấn khoai lang, khoai sọ và 150 tấn mận hậu, mận tam hoa, nhãn chín muộn; kinh doanh bán vật tư nông nghiệp, phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học; doanh thu đạt hơn 5 tỷ đồng. Các sản phẩm nông nghiệp của HTX đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về chất lượng. Để khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị khoai sọ Thuận Châu, ngoài việc trồng 1,2 ha khoai sọ, HTX đã ký kết hợp đồng với bà con xã Nậm Lầu (Thuận Châu) sản xuất khoai sọ theo tiêu chuẩn VietGAP và được Chi cục Nông lâm thủy sản tỉnh hướng dẫn quy trình quản lý thực phẩm an toàn; quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn làm hồ sơ, thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận khoai sọ Thuận Châu theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ những thành công ban đầu, HTX Hưng Thịnh đã góp phần khẳng định tính hiệu quả của mô hình HTX kiểu mới, nâng cao vị trí vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp nông thôn của huyện Thuận Châu.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới