Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi vượt hơn 50 km từ thị trấn huyện Thuận Châu qua những con dốc cao, những khúc cua uốn lượn theo sườn đồi núi, xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh về xã vùng cao đặc biệt khó khăn Pá Lông.
Người dân xã Pá Lông kinh doanh hàng tạp hóa phục vụ đời sống, sinh hoạt.
Đón chúng tôi là đồng chí Chá Chua Và, Phó Chủ tịch UBND xã. Đồng chí thông tin nhanh: Xã hiện có 10 bản, 613 hộ, 2.902 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, độ dốc lớn, địa hình chia cắt, những năm qua, được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, đường về trung tâm xã đã được rải nhựa, trụ sở xã, trạm y tế được đầu tư xây dựng, phục vụ tốt việc đi lại và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Về lĩnh vực phát triển kinh tế, bà con vẫn chủ yếu là trồng lúa, ngô, xã đang vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác; chỉ đạo khuyến nông đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời, khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển kinh doanh, dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội; hướng dẫn các hộ vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế, mua con giống, vật nuôi và máy móc phục vụ sản xuất. Hiện tổng dư nợ của toàn xã hơn 3,6 tỷ đồng.
Rồi đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi đi thực tế địa bàn. Thăm cửa hàng tạp hóa của anh Vàng Giống Di, bản Từ Sáng, vừa bán hàng cho bà con, anh Di vừa nói: Trước đây, gia đình tôi cũng trồng lúa, ngô, sau khi tích cóp được số vốn, năm 2014, tôi mở cửa hàng tạp hóa phục vụ bà con, hiện thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Đến bản Pá Nọt trên con dường bê tông kiên cố, chúng tôi được Trưởng bản Mua Chứ Tòng chia sẻ: Bản có 28 hộ, 212 nhân khẩu. Trước đây, đường vào bản toàn đường đất, trời nắng thì bụi, trời mưa thì trơn trượt lầy lội; hàng nông sản làm ra không mang ra bán được. Năm 2017, được Nhà nước đầu tư đổ bê tông hơn 600 m đường vào bản, giờ việc đi lại của người dân thuận lợi hơn rất nhiều; cuộc sống của bà con trong bản ngày một nâng cao hơn.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, từ đầu năm đến nay, người dân xã Pá Lông đã trồng mới 4 ha, nâng tổng diện tích cây ăn quả các loại toàn xã lên 30 ha; toàn xã hiện có 265 ha cây sơn tra. Năm nay, bà con trong xã gieo trồng 250 ha lúa nương, 400 ha ngô xuân hè, 10 ha sắn. Chăn nuôi được quan tâm phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa để tăng thu nhập. Xã thường xuyên chỉ đạo thú y xã duy trì tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc - gia cầm và phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, xã có 189 con trâu, 845 con bò, 911 con lợn, gần 689 con dê và hơn 7.800 con gia cầm.
Đối với việc triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn, xã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tham gia giám sát theo thẩm quyền, đảm bảo tiến độ, chất lượng và quản lý, sử dụng hiệu quả các công trình. Từ đầu năm đến nay, xã đã phối hợp Ban quản lý dự án đầu tư huyện bàn giao mặt bằng thi công đường vào 3 bản Hua Dấu, Há Dụ, Hua Ngáy và chỉ đạo các bản vận động nhân dân tham gia đóng góp đầy đủ vốn đối ứng 20% đảm bảo đúng quy định. Thực hiện Chương trình 135, xã được đầu tư xây 1 nhà lớp học cho bản Tinh Lá và 1 nhà văn hoá cho bản Tịa Tậu, tổng giá trị 960 triệu đồng. Hiện, xã Pá Lông có 7 bản có nhà văn hóa; 2 bản có đường nhựa vào bản và 4 bản đang đổ bê tông đường nội bản; 80% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 6 bản được sử dụng điện lưới quốc gia. Công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân luôn được chú trọng; thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia. Hiện, xã đã đạt 6 tiêu chí theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song tin rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, Pá Lông sẽ ngày càng có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, diện mạo của xã cũng sẽ từng ngày đổi thay.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!