Về Long Hẹ

Những ngày tháng 8, chúng tôi đến với xã vùng cao Long Hẹ, (Thuận Châu). Nơi đây, hơn 70 năm về trước, đội du kích Long Hẹ phối hợp với các lực lượng và nhân dân trong huyện đứng lên đánh đuổi giặc Pháp và chế độ phong kiến, giành chính quyền. Hôm nay, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng trường học, trạm xá, khu chợ được đầu tư xây dựng khang trang, đưa cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng ổn định và phát triển.

  

Một góc Long Hẹ hôm nay.

 

Ký ức hào hùng

Tiết trời sang thu, trên dãy Copia trùng điệp, sương mù đã bao phủ khắp không gian. Theo hướng dẫn của người chỉ đường, chúng tôi rẽ từ quốc lộ 6 vào tỉnh lộ 108, qua xã Co Mạ, rồi rẽ phải khoảng 15 km thì đến được xã Long Hẹ.

Được cán bộ xã giới thiệu, chúng tôi đi tìm ông Vàng Chứ Đua, là nhân chứng lịch sử của thời kỳ Cách mạng Tháng Tám, hiện còn sống, ở bản Cán Tỷ (cách trung tâm xã 30 km) nằm trên lối đi vào xã Mường Bám. Ông Đua năm nay đã ngoài 90 tuổi, dáng ông cao gầy. Lúc chúng tôi đến, ông Đua đang ở nhà cùng với mấy người cháu. Ông kể lại: Trước Cách mạng Tháng Tám, bà con Long Hẹ phải chịu ách áp bức của thực dân Pháp, mà trực tiếp là bộ máy cai trị thống lý, phìa, tạo. Từ những năm 1943, bộ đội đã lên ở với người dân trong bản Cán Tỷ, bộ đội giúp dân hiểu về cách mạng nên hầu như cả bản đi theo cách mạng. Gia đình tôi cả 6 người đều tham gia. Khi đó tôi 20 tuổi, nhanh nhẹn lắm, lội suối, rẽ rừng đưa cán bộ vào các bản vận động nhân dân tham gia đánh giặc; nhiều người già, phụ nữ và cả trẻ em ở vùng cao đều tham gia việc cất giấu tài sản, tích trữ lương thực, thực phẩm để nuôi Việt Minh.

Thời gian đã lâu, lại thêm tuổi cao, ông Đua bảo, ông không thể nhớ hết những trận đánh mà ông và anh em trong đội du kích đã tham gia nhưng không khí của ngày khởi nghĩa giành chính quyền thì không thể phai mờ trong ký ức. Trầm ngâm một lúc, ông kể tiếp: Đầu năm 1945, chúng tôi đã vận động được gần 20 thanh niên tham gia vào đội du kích, đứng đầu là các ông Thào Ngọc Lương, Thào Khua Chỉnh. Mốc son lịch sử không thể quên là ngày 23/8/1945, được lệnh khởi nghĩa, trên khắp các ngả đường quân ta khí thế sôi sục, đánh bật địch ra khỏi đồn bốt, địch buộc phải tháo chạy. Nghe tin tri châu Bạc Cầm Quý trao ấn tín đầu hàng, chúng tôi cùng với nhân dân hò reo chiến thắng. Từ nay, chính quyền đã thuộc về tay nhân dân, từ nay xóa bỏ hoàn toàn chế độ bóc lột của phìa, tạo, quan lại và các chức dịch tay sai ở địa phương, nhân dân được tự do, làm chủ bản mường.

Long Hẹ hôm nay

Long Hẹ bây giờ đang đổi mới từng ngày với nhiều dự án đang được đầu tư, cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang. Trên các sườn đồi được che phủ bởi màu xanh của nhiều loại cây trồng. Chúng tôi đến thăm quan mô hình trồng cây sơn tra của gia đình ông Thào Chứ Già, bản Co Nhừ. Ông Già đang trồng 8 ha cây sơn tra, sản lượng mỗi năm 30 tấn quả, thu nhập 300 triệu đồng/năm. Thăm trang trại nhà ông Lường Văn Hợp, ở bản Nong Cốc A, gia đình ông Hợp đang có 135 ha thông đang đến tuổi thu hoạch, 15 ha sơn tra; đàn trâu, bò khoảng 200 con, cùng 3 ao cá, mỗi ao trên 1000 m2. Dự kiến trong năm 2017, tổng thu nhập của gia đình ông Hợp đạt khoảng 10 tỷ đồng từ thu hoạch sơn tra, chăn nuôi, đặc biệt là thông.

Bí thư Đảng ủy xã Thào Sống Sếnh cho biết: Long Hẹ là xã vùng 3 của huyện, với 19 bản gồm dân tộc Thái, Mông, Kinh và Kháng sinh sống. Những năm gần đây, được sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trong xã đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Thâm canh tăng năng suất, đưa các loại giống mới vào gieo trồng. Cả xã có 490 ha ngô hai vụ, 220 ha sắn, tổng sản lượng lương thực có hạt hằng năm trên 2.000 tấn. Ngoài ra, nông dân các bản còn thâm canh 10 ha đậu, đỗ, rau xanh để cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các bản bảo vệ tốt 5.849 ha rừng, việc giao đất, giao rừng đem lại hiệu quả, thu nhập ổn định cho các gia đình, tổng số tiền chi trả từ dịch vụ môi trường rừng mỗi năm đạt hơn 300 triệu đồng. Nét mới là năm 2016, đã có 43 hộ đăng ký trồng thí điểm 2 ha sa nhân và 45 ha cây ăn quả, hiện tại cây trồng phát triển tốt. Chăn nuôi ở xã đang từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, xã có 2 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Toàn xã hiện có gần 2.000 con trâu, bò; 1.700 con dê và 20.000 con gia cầm.

Chia tay Long Hẹ, lúc trời đã về chiều, ánh nắng nhuộm vàng từng nương lúa, nương ngô, từng mái nhà, như ánh sáng Cách mạng của Đảng chiếu rọi nơi vùng cao yên bình này. Văng vẳng trong không gian tiếng khèn gọi bạn, tiếng trẻ bi bô học bài... Cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày càng no ấm, phát triển.

 

Thủy Tiên (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới