Triển vọng từ trồng thanh long ruột đỏ ở Thuận Châu

Mới bén rễ với vùng đất Thuận Châu từ năm 2018, nhưng cây thanh long ruột đỏ cho thấy khả năng thích nghi, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở đây và trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

 

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình chị Lò Thị Dưng, bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha.

Là hộ gia đình đầu tiên đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng trên diện tích đất nương, từ tháng 3/2017, chị Lò Thị Dưng, bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng để trồng 430 trụ thanh long ruột đỏ trên diện tích 5.000 m². Thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu ở bản Quỳnh Thuận nên cây thanh long ruột đỏ sinh trưởng và phát triển tốt, quả to đều và ăn có vị ngọt thanh. Vụ mùa đầu tiên, gia đình chị Dưng thu được 80 triệu đồng từ bán quả thanh long. Nhận thấy hiệu quả cao từ cây thanh long, gia đình chị Dưng tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, đến nay vườn thanh long ruột đỏ của gia đình chị Dưng đã phát triển lên 1 ha với 1.000 trụ, mỗi năm gia đình chị thu lời trên 200 triệu đồng. Chất lượng thanh long tốt nên ngay từ đầu vụ là thương lái đã tới đặt hàng với giá từ 20.000 đồng - 25.000 đồng/kg. Vừa mở rộng diện tích, gia đình chị Dưng còn đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho toàn bộ diện tích trồng thanh long. Việc áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt không những giải bài toán khan hiếm nước tưới mà còn giúp tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm chi phí lao động.

Đưa chúng tôi đi tham quan vườn với những quả thanh long chín đỏ, chị Lò Thị Dưng chia sẻ: Gia đình tôi là dân tái định cư chuyển về từ xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai), khi mới chuyển về sống ở bản TĐC Quỳnh Thuận (Chiềng Pha), gia đình tôi trồng chủ yếu là cà phê, ngô, sắn, nhưng cũng rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa, thu nhập bấp bênh. Sau khi đi tham quan nhiều mô hình trong và ngoài tỉnh và nghiên cứu điều kiện tự nhiên ở địa phương, tôi quyết định trồng cây thanh long ruột đỏ. Tôi phải tự tìm tòi, học hỏi từ việc phòng, chống sâu bệnh đến ủ phân bằng men vi sinh để bón cho cây tăng trưởng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất và chất lượng cây thanh long ruột đỏ ngày càng tăng, sản phẩm thanh long của gia đình được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Theo kinh nghiệm của những người dân trồng thanh long ruột đỏ ở Thuận Châu, để trồng cây thanh long ruột đỏ cần sử dụng trụ bê tông cao từ 1,8 - 2 m, cạnh vuông 12 cm, trụ được chôn sâu 40 - 60 cm, phần nổi trên mặt đất cao khoảng 1,4 m cho cây mọc, tỏa nhánh xuống xung quanh; khoảng cách giữa các trụ từ 2,5 m - 3 m. Sau khi thu hoạch sẽ thực hiện cắt bỏ những cành già không còn khả năng mọc mầm và ra quả, mỗi cành chỉ để 1 - 3 quả để quả to và bảo đảm chất lượng. Phân bón sử dụng chủ yếu là phân hữu cơ, một năm bón từ 3 - 4 lần; có thể tận dụng rơm, rạ phủ lên phần gốc để giữ ẩm cho cây sau khi trồng. Từ năm thứ 3 trở đi, cây cho năng suất cao, ổn định, trọng lượng mỗi quả thanh long từ 0,3 - 0,5 kg. Nếu muốn có thể áp dụng biện pháp xử lý cho cây ra quả trái vụ bằng cách thắp đèn điện vào ban đêm để kích thích hoa nở, quả nhanh chín, giúp tăng năng suất, chất lượng.

Thấy được thu nhập cao từ cây thanh long ruột đỏ, nhiều hộ nông dân đã đưa loại cây này vào trồng để thay thế những diện tích trồng ngô, trồng sắn không hiệu quả. Trong năm 2019, toàn huyện Thuận Châu đã trồng mới 20 ha, nâng tổng số diện tích thanh long ruột đỏ toàn huyện lên 24 ha. Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu, cho biết: Năm 2018, huyện đã xây dựng chuỗi cho sản phẩm thanh long ruột đỏ và liên kết với HTX Ngọc Hoàng ở huyện Mai Sơn hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm. Huyện cũng đã quy hoạch vùng trồng thanh long ruột đỏ thuộc khu vực các xã: Phổng Lái, Chiềng Pha, khu vực đèo Pha Đin. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và nghiêm túc thực hiện liên kết chuỗi theo thỏa thuận; ứng dụng sản xuất theo phương pháp hữu cơ, mở các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật theo hướng hữu cơ cho người dân và triển khai hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong sản xuất vào tiêu thụ sản phẩm thanh long ruột đỏ.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở Thuận Châu đã và đang cho thấy hiệu quả rõ rệt, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới