Thực trạng thiếu giáo viên ở Thuận Châu

Năm học 2016-2017, trên địa bàn huyện Thuận Châu đội ngũ giáo viên thiếu so với kế hoạch phát triển giáo dục và biến động nên nhiều trường học gặp khó khăn trong việc tổ chức hoạt động dạy và học.

Một giờ dạy và học của giáo viên, học sinh Trường Mầm non Thôm Mòn (Thuận Châu).

Hiện nay, mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện Thuận Châu có 5 trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 111 trường trực thuộc UBND huyện, trong đó, 93 điểm trường lẻ cấp mầm non, 79 điểm trường lẻ cấp tiểu học xa trung tâm xã. Năm học 2016-2017, toàn huyện có 44.955 học sinh các cấp, trong đó: Cấp giáo dục mầm non, khối nhà trẻ có 58 nhóm với 1.411 trẻ và 391 lớp mẫu giáo với 11.815 cháu; cấp tiểu học có 739 lớp với 18.867 học sinh; cấp trung học cơ sở có 382 lớp với 12.862 học sinh. Năm học này, toàn huyện tăng 1.384 học sinh so với năm học trước (cấp mầm non tăng 343 trẻ; tiểu học tăng 158 học sinh; THCS tăng 883 học sinh). Trong khi đó, ngành Giáo dục - Đào tạo của huyện có 2.653 công chức, viên chức và nhân viên, trong đó, 2.088 giáo viên. So với quy định tiêu chuẩn, Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu còn thiếu 411 giáo viên, trong đó: 218 giáo viên mầm non; 163 giáo viên tiểu học; 30 giáo viên trung học cơ sở.

Trao đổi về trực trạng thiếu giáo viên trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu băn khoăn: Công tác bố trí giáo viên giảng dạy gặp nhiều khó khăn; cắt giảm số trường, lớp học 2 buổi trên ngày; giáo viên làm việc quá số giờ theo tiêu chuẩn, nhiều giáo viên mầm non phải “đứng” 2 lớp (sáng một lớp, chiều một lớp); chỉ tiêu và chất lượng học sinh bị ảnh hưởng, nhất là khối mầm non, thiếu giáo viên nên một số trường phải cắt giảm lớp nhà trẻ, dẫn đến tỷ lệ huy động trẻ dưới 2 tuổi ra lớp chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch.

Thông tin về tình hình thiếu giáo viên tại đơn vị, cô giáo Đỗ Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thôm Mòn cho biết: Tôi về công tác tại trường 3 năm nay, năm nào cũng trong tình trạng thiếu giáo viên. Hiện Trường có 18 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó, chỉ có 13 giáo viên, tuy nhiên 2 giáo viên đang nghỉ thai sản nên thực tế chỉ có 11 giáo viên “đứng” lớp. Trong khi đó, toàn Trường có 500 học sinh thuộc 15 lớp. Có những buổi học, một giáo viên phải kiêm cả 2 lớp. Cá biệt khối trẻ 4 tuổi có 4 lớp mà chỉ có 1 giáo viên, thiếu tới 3 giáo viên. Mặt khác, các giáo viên còn thêm nhiệm vụ tham gia việc tổ chức nấu ăn cho 4 lớp học sinh bán trú. Do vậy, chất lượng dạy và học chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Trước thực trạng trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu đã thực hiện quy hoạch lại mạng lưới lớp học theo cách dồn, ghép lớp; tăng tỉ lệ học sinh trên lớp để giảm bớt gánh nặng về biên chế thiếu; cân đối, điều động giáo viên đến các trường thiếu, đồng thời, tuyên truyền, động viên giáo viên dạy tăng buổi, tăng tiết để đảm bảo hoạt động dạy và học.

 Tuy nhiên đó chỉ là những giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần có giải pháp đồng bộ quy hoạch lại mạng lưới trường lớp học theo cơ cấu hợp lý, phù hợp với địa bàn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa; bổ sung biên chế giáo viên đáp ứng với nhu cầu phát triển giáo dục trong từng giai đoạn. Ông Nguyễn Ngọc Quang chia sẻ: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện kiến nghị UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ xem xét, trình HĐND tỉnh giao chỉ tiêu biên chế giáo viên, nhân viên còn thiếu của các cấp học trong năm học 2016 - 2017; cho phép hợp đồng giáo viên ngoài biên chế, để bù lại số giáo viên thiếu.

Rất mong các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới