Khai mạc Ngày hội nông sản 2018, công bố nhãn hiệu “Chè Phổng Lái Thuận Châu”, “Khoai sọ Thuận Châu”
Khai mạc Ngày hội nông sản 2018 và công bố nhãn hiệu "Chè Phổng Lái Thuận Châu",
"Khoai sọ Thuận Châu".
Sáng nay 13/10, tại xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu đã tổ chức Khai mạc Ngày hội nông sản 2018, công bố nhãn hiệu “Chè Phổng Lái Thuận Châu”, “Khoai sọ Thuận Châu”. Dự ngày hội có đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; đông đảo bà con nhân dân huyện Thuận Châu.
Các đại biểu dự Lễ khai mạc.
Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển nông nghiệp, cấp uỷ, chính quyền huyện Thuận Châu đã tập trung cao trong thực hiện các chuỗi liên kết cho các sản phẩm chủ lực; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với lợi thế đất đai, lao động của địa phương và thị trường tiêu thụ. Hiện nay, Thuận Châu đã hoàn thành quy hoạch phát triển cây con chủ lực đặc biệt là cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu của từng vùng, trong đó: Quy hoạch trồng cây ăn quả tại các xã Liệp Tè, Bó Mười, Mường Khiêng, Chiềng Ngàm (vùng lòng hồ Sông Đà); cây sơn tra, cây dược liệu trồng tại 6 xã vùng cao; cây có múi, cây chanh leo quy hoạch ở dọc trục Quốc lộ 6; Đặc biệt, hai sản phẩm nông nghiệp tiềm năng được huyện tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGap, cây khoai sọ tập trung trồng ở xã Nậm Lầu, Chiềng Ly, Bon Phặng, Phổng Lập, Phổng Lái; cây chè tập trung trồng ở 4 xã Phổng Lái, Phổng Lập, Mường É, Chiềng Pha…
Gian trưng bày các sản phẩm nông nghiệp của xã Chiềng Bôm - Tông Lạnh (Thuận Châu).
Ngày hội nông sản huyện Thuận Châu năm 2018 diễn ra trong 2 ngày 13-14/10, nhằm giới thiệu những sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện gắn với công bố nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu” và nhãn hiệu tập thể “Khoai sọ Thuận Châu”. Tại Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như: Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chè và các sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện; thi đấu thể thao và chơi các trò chơi dân gian; tham quan các đồi chè, vườn cây ăn quả, cơ sở sản xuất chè, thăm quan một số di tích lịch sử, mô hình du lịch trải nghiệm…
Người dân tham quan, mua sắm tại Ngày hội nông sản huyện Thuận Châu.
Thông qua các hoạt động của Ngày hội góp phần quảng bá, giới thiệu những hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Thuận Châu và những sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện Thuận Châu tới người tiêu dùng, du khách trong và ngoài tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thu hút và phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Sôi nổi các hoạt động tại Ngày hội nông sản Thuận Châu năm 2018
Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chè và các sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện
Gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp của xã Pá Lông và Co Tòng.
Nằm trong hoạt động của Ngày hội, ngay sau Lễ khai mạc, đã diễn ra phần thi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chè và các sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện với sự tham gia của trên 30 gian hàng của các xã, thị trấn và các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn. Các sản phẩm trưng bày giới thiệu, như: sản phẩm chè, khoai sọ, sơn tra, nhãn chín muộn, chanh leo, sa nhân, sâm đương quy, mật ong, giống cây trồng, cá sông Đà… Các đội tham gia phần thi phải thể hiện tài năng khéo léo khi trưng bày các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời giới thiệu kỹ thuật, cách chăm sóc và hiệu quả kinh tế những sản phẩm nông sản, các loại hoa quả tiêu biểu mang tính đặc trưng của từng địa phương trong huyện. Qua đó giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp của Thuận Châu gắn với các sản phẩm đặc sản trên địa bàn huyện.
Giới thiệu sản phẩm khoai sọ của HTX Hưng Thịnh (Thuận Châu).
Hội thi tài năng người làm chè
Phần thi hái chè.
Cùng thời gian trên, tại cánh đồng chè bản Nong Lào, xã Chiềng Pha đã diễn ra Hội thi tài năng người làm chè. Tham gia cuộc thi có 5 đội thi (mỗi đội 5 thành viên) của 4 xã là Phổng Lái, Mường É, Chiềng Pha và Phổng Lập. Đây là những xã có diện tích trồng chè lớn của huyện Thuận Châu. Các đội tham gia phải trải qua các phần thi, gồm: phần chào hỏi, giới thiệu về đội mình; thi kiến thức trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế chè. Đối với phần thi hái chè, mỗi đội sẽ có 5 thành viên tham gia, mỗi thành viên hái trên 1 luống chè; các đội phải thực hiện việc hái chè bằng tay, hái hết các búp chè trên mặt tán chè theo tiêu chuẩn một tôm và không quá 3 lá non; búp chè không bị dập nát, không lẫn lá bánh tẻ, lá già; trong thời gian 20 phút, đội nào hái được đúng tiêu chuẩn và số lượng nhiều sẽ giành chiến thắng…
Đông đảo nhân dân cổ vũ cho các đội thi.
Thi đấu thể thao và trò chơi truyền thống
Các VĐV tham dự thi bắn nỏ.
Song song với các hoạt động diễn ra tại Ngày hội, tại xã Phổng Lái diễn ra thi đấu thể thao và trò chơi truyền thống. Tham gia có 100 vận động viên đến từ các xã, thị trấn, tham gia thi đấu các nội dung như: đẩy gậy, kéo co, ném còn, và bắn nỏ. Các VĐV đã thi đấu với tinh thần nhiệt tình, sôi nổi, trung thực. Qua cuộc thi không chỉ giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, thể hiện sự khéo léo mà còn góp phần giữ gìn, tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời quảng bá tới đông đảo du khách.
Phần thi ném còn của các VĐV tại cuộc thi.
Tham quan trải nghiệm
Du khách tham quan mô hình du lịch tại đèo Pha Đin.
Cùng thời gian tổ chức Ngày hội, từ ngày 13 đến 14/10, huyện Thuận Châu đã tổ chức các tour tham quan đến các đồi chè, vườn cây ăn quả, cơ sở sản xuất chè, thăm quan một số di tích lịch sử, mô hình du lịch trải nghiệm như: mô hình trồng cam tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel; vườn Mắc ca, vườn sa nhân, sâm đương quy tại bản Tiên Hưng, xã Phổng Lái; thăm đồi chè Ô long và cơ sở sản xuất chè Ô long của TNHH Trà Thu Đan tại bản Tiên Hưng, xã Phổng Lái; vườn chanh leo ở bản Mô Cổng, xã Phổng Lái; nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị trấn Thuận Châu; khu di tích mái đá bản Mòn, xã Thôm Mòn; mô hình du lịch tại đèo Pha Đin…
Lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu”, nhãn hiệu tập thể “Khoai sọ Thuận Châu” và Chương trình nghệ thuật “Âm vang ngày hội”
Lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu”, nhãn hiệu tập thể “Khoai sọ Thuận Châu”.
Nối tiếp các sự kiện của Ngày hội, vào lúc 20h ngày 13/10, huyện Thuận Châu đã tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu”, nhãn hiệu tập thể “Khoai sọ Thuận Châu” và Chương trình nghệ thuật “Âm vang ngày hội”. Dự buổi lễ có đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Ủy Ban Kiểm tra Trung ương; Văn phòng Trung ương Đảng; Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; đông đảo bà con nhân dân huyện Thuận Châu.
Cây chè và cây khoai sọ là hai sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của huyện Thuận Châu đang được huyện tập trung tuyên truyền, vận động các xã trong vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn Viet GAP, thành lập các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng, kinh doanh chè, khoai sọ; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã, doanh nghiệp về vốn, về khoa học kỹ thuật, kiểm định chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân. Toàn huyện có 1.073 ha chè, cung cấp ra thị trường trên 6.000 tấn chè/năm, xuất khẩu sang một số thị trường như: Trung Quốc, Đài Loan, Pháp. Trong 9 tháng đầu năm, sản phẩm chè Phổng Lái đã xuất sang thị trường Đài Loan được hơn 850 tấn. Đối với cây khoai sọ, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có tổng diện tích 120 ha trồng tập trung tại các xã: Nậm Lầu (60ha), Chiềng Ly (18 ha) và một số xã như Muổi Nọi, Chiềng Bôm, Co Mạ; năng suất bình quân 12 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 1.440 tấn/năm...
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao chứng nhận nhãn hiệu
“Chè Phổng Lái Thuận Châu”cho huyện Thuận Châu.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể
“Khoai sọ Thuận Châu” cho huyện Thuận Châu.
Tại Lễ công bố, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu”, nhãn hiệu tập thể “Khoai sọ Thuận Châu” cho huyện Thuận Châu; Sở Khoa học và Công nghệ trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Táo sơn tra Sơn La” cho HTX Nậm Búa, xã Long Hẹ. Nhân dịp này, huyện Thuận Châu cũng đã vinh danh 9 hộ nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn huyện.
Sở Khoa học và Công nghệ trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
“Táo sơn tra Sơn La” cho HTX Nậm Búa, xã Long Hẹ.
Phát biểu tại Lễ công bố, đồng chí Lò Minh Hùng nhấn mạnh: Sự kiện công bố nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu”, nhãn hiệu tập thể “Khoai sọ Thuận Châu” cho huyện Thuận Châu là dấu mốc quan trọng trong phát triển nông nghiệp của huyện. Đồng thời đề nghị, huyện cần duy trì, phát triển thương hiệu để người tiêu dùng cả nước biết đến và nâng cao chất lượng sản phẩm; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo tồn giống, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng diện tích theo quy hoạch; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm gắn với nâng cao đời sống của người dân…
Một tiết mục nghệ thuật tại Chương trình.
Sau Lễ công bố là Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Âm vang ngày hội” được dàn dựng công phu tái hiện quá trình hình thành và phát triển vùng chè; ca ngợi Đảng, Bác Hồ, con người và quê hương Thuận Châu tươi đẹp. Chương trình khép lại trong vòng xòe đoàn kết của trên 200 diễn viên, nghệ nhân, đoàn viên, học sinh…
Ngày hội nông sản 2018 gắn với công bố nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu” và nhãn hiệu tập thể “Khoai sọ Thuận Châu” đã tạo không khí phấn khởi, hăng hái thi đua lao động, phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao trên địa bàn, đặc biệt là duy trì và phát triển bền vững vùng chè, khoai sọ Thuận Châu và các vùng sản xuất nông nghiệp ngày càng chất lượng, hiệu quả.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!