Thuận Châu thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thuận Châu là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn của tỉnh, những năm qua, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm và triển khai thực hiện đồng bộ, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời. Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, công tác quản lý bảo vệ và phát triển vốn rừng trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập của các chủ rừng và người dân.

 

Nhân dân bản Mảy, xã Chiềng Pấc (Thuận Châu) làm đường băng cản lửa PCCCR.

 

Huyện Thuận Châu hiện có 63.260 ha rừng, để chính sách chi trả môi trường rừng đi vào cuộc sống, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phối hợp với Quỹ bảo vệ phát triển rừng của tỉnh tổ chức tập huấn, rà soát diện tích rừng, triển khai hướng dẫn lập phương án thu, chi tiền dịch vụ môi trường cho các tổ chức, cộng đồng xã, bản.

 

Trao đổi với ông Đỗ Quốc Hưng, Trưởng Chi nhánh Quỹ bảo vệ phát triển rừng Thuận Châu - Quỳnh Nhai được biết, từ năm 2011 đến hết năm 2018, huyện Thuận Châu được chi trả gần 57 tỷ đồng, đây là nguồn tài chính bền vững, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR, hỗ trợ sinh kế, tạo thêm nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của người dân, gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao của huyện. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được bàn bạc, thống nhất và sử dụng theo đúng mục đích của cộng đồng đã góp phần không nhỏ tác động đến chất lượng của rừng tự nhiên, khối lượng lâm sản được cải thiện đáng kể; qua đó, phát huy vai trò của rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái, trữ lượng và giá trị đa dạng sinh học được duy trì, bảo tồn tốt hơn. Bên cạnh đó, từ số tiền được chi trả, các chủ rừng là cộng đồng đã trích gần 11 tỷ đồng để xây dựng các công trình xây dựng nông thôn mới.

 

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã phát huy hiệu quả rõ rệt, nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và người dân được nâng lên, diện tích rừng trên địa bàn được bảo vệ tốt hơn. Các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, dụng cụ tuần tra canh gác rừng. Các chủ rừng đã nắm và thực hiện đúng các quy định và hướng dẫn, tiền dịch vụ môi trường rừng người dân nhận được chủ yếu sử dụng phục vụ công tác thành lập, củng cố các tổ bảo vệ rừng, mua dụng cụ, trang thiết bị phục vụ cho công tác tuần tra bảo vệ và PCCCR. Cũng từ nguồn tiền dịch vụ này, đã giúp các cộng đồng bản xây dựng bổ sung quy ước, hương ước của bản, quy định rõ trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ rừng. Hằng năm, mức chi trả cho các chủ rừng được nâng lên; năm 2011, trên địa bàn huyện đã tổ chức chi trả trên 7,5 tỷ đồng cho 3.623 chủ rừng ở 296 bản tại 20 xã, với tổng diện tích 34.158 ha thuộc lưu vực sông Đà. Đến năm 2018, đã chi trả gần 9,5 tỷ đồng cho 3.405 chủ rừng ở 490 bản, tại 28 xã, với tổng diện tích 48.245 ha thuộc lưu vực sông Đà và sông Mã.

 

Bản Nà Khoang, xã Chiềng Pấc có 226 ha rừng tự nhiên được giao cho 7 chủ rừng, gồm 6 hộ và 1 cộng đồng bản quản lý, tính riêng năm 2018, bản đã được chi trả gần 123 triệu đồng. Trưởng bản Lò Văn Sáng cho biết: Trước khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, do công tác quản lý, bảo vệ rừng ở bản chủ yếu thực hiện theo quy ước, hương ước, nên thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng làm nương. Từ số tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm nhận được, cộng đồng bản đã bàn bạc, thống nhất chủ yếu dùng để mua sắm dụng cụ phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, làm đường băng cản lửa, PCCCR; khen thưởng các hộ gia đình, cá nhân tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng; tính riêng năm 2018, bản đã trích 30 triệu đồng bổ sung vào kinh phí được hỗ trợ theo chương trình xây dựng nông thôn mới để thực hiện bê tông hóa đường nội bản.

 

Có thể khẳng định, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Thuận Châu, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Cùng với những thu nhập khác từ rừng, chính sách đã hỗ trợ sinh kế, tạo thêm việc làm, hạn chế các hành vi xâm hại tài nguyên rừng và vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng. Tiền dịch vụ môi trường rừng còn được các cộng đồng xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa bản, lớp học, làm đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, góp phần phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới