Thời điểm này, trên các cánh đồng ở huyện Thuận Châu, bà con nông dân đang tích cực chăm sóc lúa xuân; công tác chống hạn và phòng trừ sâu bệnh hại được đặc biệt chú trọng.
Trên cánh đồng bản Muổi Nọi A, xã Muổi Nọi, những khóm lúa đã cấy hơn một tháng đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Ngay từ sáng sớm, bà con ra thăm đồng, theo dõi lượng nước và tình hình sâu bệnh cho lúa. Nhanh tay bốc bờ, đắp lại lối thoát nước trên mảnh ruộng hơn 1.000 m2, bà Lò Thị Thởn chia sẻ: Do chân ruộng cao, lại ở cuối công trình thủy lợi nên diện tích lúa của gia đình tôi có nguy cơ thiếu nước. Gia đình thường xuyên thăm đồng, nạo vét, khơi thông dòng chảy, dẫn nước vào ruộng, kịp thời cho lúa sinh trưởng, phát triển trong cả vụ.

Còn tại xã Phổng Ly, vụ xuân này toàn xã gieo cấy hơn 97 ha lúa. Hiện nay, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, qua kiểm tra đã xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh, gây hại trên một số diện tích lúa tại các bản Lăng Luông, Thái Cóng, Lăng Nọi, Nà Xa…Ông Quàng Văn Xiến, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Ngay sau khi xuất hiện bệnh, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện kiểm tra, nắm bắt mức độ gây hại, xác định rõ mật độ của sâu bệnh để hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng trừ, phun thuốc đúng liều lượng, đúng thời điểm, cùng với đó, phát quang bờ ruộng để ngăn chặn sâu bệnh lây lan ra diện rộng.

Vụ xuân năm nay, huyện Thuận Châu gieo cấy 1.647 ha lúa, cơ cấu giống chủ yếu là giống lúa N87, N97 và nếp tan địa phương... Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa của huyện đang trong quá trình đẻ nhánh, một số diện tích gieo cấy sớm đang đẻ nhánh rộ. Tuy nhiên, do thời tiết nắng hạn kéo dài, khiến lượng nước ở hầu hết các hồ, đập trên địa bàn đạt ở mức thấp, nhiều diện tích lúa xuân vừa cấy xong có nguy cơ thiếu nước, bị hạn. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện hiện có khoảng 100 ha ruộng bị thiếu nước ở các xã Chiềng Pha, Phổng Lái, Phổng Ly, Muổi Nọi... Bên cạnh đó, có khoảng 3,5 ha lúa tại các xã Phổng Ly, Thôm Mòn bị nhiễm bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, mật độ từ 24 đến 148 con/m2 và ốc bươu vàng, mật độ khoảng 5 con/m2.
Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, cho biết: Ứng phó với nguy cơ khô hạn, Phòng đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các xã, tổ thủy nông trên địa bàn điều tiết nước hợp lý theo từng khu vực, điều kiện mỗi nơi. Vận động bà con khơi thông các dòng chảy kênh mương thủy lợi, tận dụng tối đa nguồn nước từ ao, hồ, sông suối để cung cấp cho sản xuất; chia lịch lấy nước, không tháo nước vào ruộng tràn lan cùng một thời điểm. Ưu tiên sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước và chuyển đổi cây trồng đối với những khu vực thường xuyên thiếu nước.

Đối với sâu bệnh phát sinh gây hại trên lúa, huyện Thuận Châu chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiến hành các biện pháp phòng chống; phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với UBND các xã theo dõi và dự báo quy mô, mức độ của từng sinh vật hại. Hướng dẫn nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, để phát hiện sớm sự xuất hiện của rầy trên cây lúa. Khi số rầy nở rộ tập trung với mật độ khoảng 750 con/m² (3 con/lá lúa) thì phun thuốc hóa học, như: Pexena 106 SC, Applaud 10BHN, Oshin 20 WP, Chess 50 WG, Siêu rầy, Bassa, Tre bon... Phun thuốc theo kỹ thuật 4 đúng: Đúng thuốc, đúng liều lượng, nồng độ, đúng lúc và đúng cách. Đối với diện tích lúa bị ốc bươu vàng gây hại, hướng dẫn bà con chủ động loại trừ theo phương pháp thủ công.
Trong khoảng 3 tháng đầu từ khi gieo cấy, việc cung ứng đủ nước và phòng trừ sâu bệnh gây hại có vai trò rất quan trọng cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Với các phương án về tưới tiêu đôn đốc hướng dẫn người dân phòng trừ sâu bệnh hại, tin rằng, các chỉ tiêu sản xuất vụ xuân ở huyện Thuận Châu hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!