Thuận Châu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Năm 2019 khép lại, đánh dấu một năm nông nghiệp Thuận Châu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn khởi sắc, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ổn định và nâng lên.

 

Mô hình trồng rau thủy canh của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Pha Đin.

 

Điểm lại những kết quả nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp huyện Thuận Châu năm 2019, ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, thông tin: Năm 2019, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 1.741 tỷ đồng, tăng 5,52% so với năm 2018; toàn huyện trồng mới 595 ha cây ăn quả các loại, nâng diện tích cây ăn quả lên 3.670 ha, sản lượng đạt 8.000 tấn. Đến nay, đã có trên 226 ha cây trồng các loại được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP; 27,5 ha áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Đặc biệt, bà con nông dân đã thực hiện sản xuất theo nhu cầu của thị trường; trong đó, ở các xã vùng cao bà con mở rộng diện tích trồng cây sơn tra, các xã dọc quốc lộ 6 thâm canh tăng năng suất chè, cà phê, chanh leo, cây ăn quả.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, cùng với chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện Thuận Châu đã hình thành các vùng chuyên canh trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu và một số loại rau màu, chăn nuôi. Đặc biệt, việc chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô theo hình thức trang trại, kết nối sản xuất nông nghiệp hữu cơ với công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó phải kể đến mô hình trồng rau thủy canh hữu cơ của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Pha Đin (bản Chiềng Ve B, xã Mường É), với hệ thống nhà lưới trên 1.000 m² với các trang thiết bị đủ tiêu chuẩn, phần mái được phủ ni lông, xung quanh căng rào lưới chắn côn trùng, bên trong nhà lưới xây dựng các giàn thủy canh, cùng các trang thiết bị hỗ trợ, như: Quạt làm mát, máy bơm nước tự động, hệ thống phun mưa dùng cho mùa hè, hệ thống bóng điện thắp sáng..., đã đem đến cho người tiêu dùng những loại rau chất lượng, an toàn. Anh Trần Sơn Hải, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: Các sản phẩm rau của HTX được trồng trong môi trường nước có chứa dinh dưỡng, quy trình chăm sóc đơn giản, hệ thống bơm nước tự động tuần hoàn từ bể dẫn nước có chứa dinh dưỡng về từng gốc rau và ngược trở lại, nhờ đó, năng suất và giá bán cao hơn 1,5-2 lần so với rau trồng theo phương pháp truyền thống. Hiện, các sản phẩm rau của HTX được xuất bán tại thị trường trong tỉnh và được người tiêu dùng đón nhận.

Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền chủ trương về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, nhất là trồng cây ăn quả trên đất dốc, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Năm 2019, huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, ủ phân hữu cơ vi sinh cho trên 3.000 lượt người; tập huấn, hướng dẫn cho 72.257 lượt hộ nông dân về kỹ thuật và biện pháp phòng chống rét cho mạ, trồng và chăm sóc lúa ruộng, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh; tổ chức 13 lớp tập huấn công tác phòng, chống và các biện pháp ngăn chặn, ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi cho 1.214 lượt người.

Các chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất được triển khai hiệu quả. Trong năm, huyện đã tiếp tục hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất thực hiện năm 2018 và xây dựng dự án phát triển sản xuất sản phẩm nhãn theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với quy mô 200 ha tại xã Chiềng Ngàm, Liệp Tè; xây dựng và triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để cấp mã số vùng trồng cho 17 ha trồng xoài của 13 hộ tại bản Bon, xã Mường Khiêng; tiếp tục triển khai thực hiện 6 dự án phát triển sản xuất sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2018-2020, với tổng diện tích 958 ha, tổng kinh phí hỗ trợ gần 13,4 triệu đồng. Thông qua các mô hình, dự án sẽ là cơ sở để huyện cũng như người dân đánh giá hiệu quả, từ đó lựa chọn các loại cây, con phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ sản xuất từng vùng để nhân rộng.

Với những giải pháp đồng bộ trong đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung mở rộng cơ giới hóa, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và các sản phẩm có lợi thế theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao..., chắc chắn nông nghiệp Thuận Châu sẽ ngày càng thu được kết quả tích cực, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới