Sáp nhập bản, tiểu khu ở Tông Lạnh

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (HTCT) tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, huyện Thuận Châu, xã Tông Lạnh đã tổ chức rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo đủ các điều kiện và yếu tố khi sáp nhập bản, tiểu khu, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân.

Đảng ủy xã Tông Lạnh họp bàn triển khai công tác tuyên truyền về sáp nhập bản, tiểu khu.

Thời gian này, việc sắp xếp bản, tiểu khu đang thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Thuận Châu nói chung và xã Tông Lạnh nói riêng. Tại bản Lạnh A, Lạnh B, Lạnh C, ngay từ khi họp bản bàn về phương án sáp nhập ba bản đã có nhiều ý kiến của người dân. Là người có 13 năm làm Bí thư Chi bộ ở bản Lạnh C, xã Tông Lạnh, ông Lường Văn Luân cho rằng, sáp nhập bản sẽ giúp cho việc tổ chức thực hiện hương ước thôn, bản được hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc huy động đóng góp ngày công lao động để thực hiện các công trình phúc lợi cũng sẽ thuận lợi, tập trung hơn, không manh mún, nhỏ lẻ như trước nữa. Các công trình đầu tư của Nhà nước khi sáp nhập rồi chắc cũng tập trung hơn và nhiều lợi ích khác nữa. Chia sẻ với chúng tôi, ông Luân thẳng thắn, đợt họp các bản để chuẩn bị cho việc sáp nhập, mặc dù được người dân tín nhiệm giới thiệu bầu làm Bí thư bản mới, nhưng ông từ chối, bởi mong muốn tạo điều kiện cho lớp trẻ năng động, nhiệt huyết cống hiến.

Để chuẩn bị cho quá trình sáp nhập các bản, xã Tông Lạnh đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền và họp bàn với nhân dân các bản để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhận thức rõ được lợi ích của việc sắp xếp lại bản, do vậy, việc triển khai phương án sáp nhập 3 bản Lạnh A, Lạnh B, Lạnh C đã cơ bản nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Đồng chí Quàng Văn Nhung, Bí thư Đảng ủy xã Tông Lạnh cho biết: Hiện tại, Tông Lạnh có 23 bản, 7 tiểu khu với 2.458 hộ, 11.133 nhân khẩu. Hiện nay, xã đã thực hiện xong toàn bộ quy trình sắp xếp, sáp nhập 3 bản Lạnh A, Lạnh B, Lạnh C theo đúng hướng dẫn của tỉnh và hoàn thiện hồ sơ nộp về huyện. Quá trình tổ chức các cuộc họp dân đều có kết quả tốt, được nhân dân đồng tình và ủng hộ. Việc sáp nhập bản, tiểu khu là phù hợp với thực tiễn địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền xã, tinh gọn bộ máy, giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách, đồng thời tăng cường đầu tư các công trình phúc lợi. Sau khi sáp nhập 3 bản Lạnh A, Lạnh B, Lạnh C sẽ thành lập bản mới với tên gọi là bản Lạnh, số người hoạt động không chuyên trách giảm từ 23 người xuống còn 7 người, kinh phí phụ cấp giảm 10,5 triệu đồng/tháng.

Sáp nhập, sắp xếp bản, tiểu khu đang được triển khai bước đầu, bên cạnh lợi ích mang lại thì việc sáp nhập bản vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Ông Lường Văn Luân, Bí thư chi bộ bản Lạnh C, chia sẻ: Không ít người dân bày tỏ sự băn khoăn về việc có nên sáp nhập 3 bản hay không, về công tác quản lý địa bàn dân cư, bố trí cán bộ làm công tác ở bản, về các giải pháp giúp người dân thay đổi các thủ tục hành chính... Trong khi khoảng cách giữa 3 bản cách nhau tới 3 km. Khi sáp nhập thành bản mới thì địa bàn khá rộng. Cán bộ bản phải tăng trách nhiệm quản lý, nắm bắt địa bàn, với số lượng cán bộ bản sẽ giảm một nửa so với trước thì công tác quản lý rất khó khăn. Vấn đề là yếu tố con người và các chế độ, chính sách đối với cán bộ bản phải phù hợp với yêu cầu mới.

Đến nay, cơ bản các xã, thị trấn của Thuận Châu đã tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc sáp nhập các bản, tiểu khu. Đồng thời, xây dựng dự thảo đề án sắp xếp, sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố để trình cơ quan chức năng xem xét. Sau đó sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đối với đề án này. Tuy nhiên, để các đề án tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã Tông Lạnh nói riêng và các xã có bản, tiểu khu sáp nhập trên địa bàn huyện Thuận Châu nói chung cần xem xét, cân nhắc đầy đủ các yếu tố liên quan khi sáp nhập như: Điều kiện tự nhiên, hình thức tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng, giao thông, phong tục tập quán, sinh hoạt chứ không chỉ đặt nặng yếu tố quy mô hộ gia đình. Trước hết, cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ không chuyên trách bản, tiểu khu, tổ dân phố cần nhận thức đúng, thông suốt về sự cần thiết của việc sắp xếp, sáp nhập trong tình hình hiện nay để từ đó tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới