Những năm qua, phong trào “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo” được Hội Phụ nữ xã Mường Bám (Thuận Châu) triển khai hiệu quả, góp phần hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hội viên nghèo cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Mô hình nuôi lợn của chị Cà Thị Ngoai, bản Nà Hát B, xã Mường Bám.
Theo lời giới thiệu của Hội Phụ nữ xã, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi lợn của chị Cà Thị Ngoai, bản Nà Hát B, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là chuồng lợn của gia đình chị được xây dựng quy mô, ngăn nắp. Trước đây, gia đình chị cũng như bao gia đình khác đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, song nhờ biết cách chăn nuôi, nay gia đình chị đã thoát nghèo, cuộc sống khá giả hơn, mỗi năm, chị xuất chuồng trung bình 40 con lợn, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Chị Cà Thị Ngoai cho biết: Gia đình tôi được hỗ trợ một con lợn nái từ dự án xóa đói, giảm nghèo năm 2014, lứa đầu lợn đẻ được 8 con rồi nhân đàn lên, đến nay, nuôi lợn là nguồn thu nhập chủ yếu cho gia đình.
Qua tìm hiểu được biết, Hội Phụ nữ xã có 1.800 hội viên sinh hoạt tại 26 chi hội, trong đó hơn 1.000 hội viên thuộc diện hộ nghèo. Công tác xóa đói, giảm nghèo, luôn được các cấp, chính quyền quan tâm. Đặc biệt, Hội Phụ nữ xã đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực giúp chị em vươn lên làm giàu, xóa đói, giảm nghèo bằng nhiều giải pháp, như: Phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận động hội viên trồng cỏ voi phát triển chăn nuôi, trồng cà phê, rau xanh... Đưa các loại giống mới có năng suất cao để thâm canh tăng vụ, chăm sóc lúa ruộng 2 vụ, các loại hoa màu ngô, sắn, lạc, chăm sóc cà phê. Sử dụng vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đúng mục đích và có hiệu quả, phối hợp cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện, số vốn uỷ thác qua Hội Phụ nữ xã quản lý là trên 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ còn vận động duy trì gây quỹ 5.000 đồng/1 hội viên/ tháng, với tổng số quỹ tiết kiệm được 10 triệu đồng cho hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển kinh tế gia đình.
Với những giải pháp thiết thực đã đem lại những kết quả tích cực, nhiều tấm gương điển hình về phát triển sản xuất, như: Chị Quàng Thị Pánh, chị Lường Thị Hoa, chị Lường Thị Ngoai, chị Bạc Thị Diếm, chị Lò Thị Biển, bản Nà Hát B; chị Lường Thị Hạnh bản Nà Hát A; chị Tòng Thị Vân, bản Nà Pa chăn nuôi lợn thịt, trung bình mỗi năm, các hộ trên xuất chuồng trên 1 tấn lợn hơi bán ra thị trường. Một số chi hội còn phát triển mô hình chăn nuôi đàn gia cầm, nuôi dê; trồng cây cà phê tại Chi hội bản Nà Cẩu với diện tích trồng 5 ha, sản lượng 20 tấn/ha/năm; mô hình dân vận khéo, “Nhà sạch vườn xanh” tại Chi hội bản Nà Pa...
Chị Quàng Thị Vui, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Trong thời gian tới Hội Phụ nữ xã tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng,vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay do hội phụ nữ quản lý; hướng dẫn hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Với nhiều cách làm đa dạng, phù hợp với thực tế, các chi hội phụ nữ ở xã Mường Bám đã thực hiện hiệu quả nhiều phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; giúp hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng bản mường ngày càng giàu đẹp.
A Mua (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!