Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Thuận Châu

Trong năm qua, kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện Thuận Châu đã có bước chuyển tích cực. Đóng góp vào thành tích chung có vai trò quan trọng của phong trào nông dân thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhiều nông dân đã đầu tư vào sản xuất, ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cán bộ Hội Nông dân xã Mường Khiêng (Thuận Châu) hướng dẫn người dân chăm sóc cây ăn quả trên đất dốc.

Ông Lò Văn Quý, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Châu, cho biết: Để phong trào có sức lan tỏa và có chiều sâu, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị tuyên truyền, vận động, khuyến khích hội viên, nông dân thi đua lao động sản xuất, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, đưa cây con giống mới năng suất cao, chất lượng tốt vào canh tác. Phối hợp với các ngân hàng để tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Tính đến hết năm 2018, đã thành lập được 38 tổ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với 1.596 hộ, dư nợ cho vay trên 124 tỷ đồng; phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thành lập được 148 tổ Tiết kiệm và vay vốn, với 6.493 hộ, dư nợ cho vay trên 154 tỷ đồng.

Điều đáng mừng là năm 2018, 29/29 xã, thị trấn của huyện đều có hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, có 10 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 386 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 967 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung, ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, như: Vùng trồng rau xã Thôm Mòn, Tông Lạnh; chăn, nuôi trâu, bò sinh sản ở xã Long Hẹ, Chiềng Pha, Phổng Lái; nuôi cá lồng ở xã Liệp Tè, Chiềng La, Chiềng Bôm, Púng Tra... Các hộ nông dân đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng, gia tăng chất lượng sản phẩm và làm nền tảng cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện năm 2018 ước đạt 1.120 tỷ đồng.

Về xã Chiềng La, những mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao đã và đang là điểm nhấn trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tại đây. Mô hình nuôi thỏ giống New Zealand của anh Tòng Văn Doa, bản Lả Lốm là một điển hình với thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Anh Doa chia sẻ: Đầu năm 2017, qua học kinh nghiệm, gia đình đã quyết định mua vài chục đôi giống thỏ New Zealand về nuôi. So với các giống thỏ khác, thỏ New Zealand ít bệnh tật, tỷ lệ đẻ con và nuôi sống cao. Thấy được hiệu quả kinh tế, gia đình vay vốn tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 500 con thỏ cái cùng 10 con thỏ đực. Hiện, gia đình luôn duy trì đàn thỏ khoảng trên 3.000 con, trung bình mỗi tháng xuất bán hơn 500 con thỏ, với giá bán từ 70.000-100.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, gia đình thu lãi gần 30 triệu đồng/tháng. Từ hiệu quả mô hình nuôi thỏ của gia đình anh Doa, nhiều hộ gia đình trong vùng và cả các huyện, như: Sông Mã, Mai Sơn, Mường La tìm đến học hỏi kinh nghiệm nuôi thỏ.

Mô hình nuôi thỏ giống New Zealand đem lại hiệu quả kinh tế cao của anh Tòng Văn Doa, xã Chiềng La (Thuận Châu).

Cách làm hay của Hội Nông dân huyện Thuận Châu là việc chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn, các đơn vị, cơ sở đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và kêu gọi đầu tư, chuyển đổi hình thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết sản xuất, dựa trên cơ sở phát huy các lợi thế về nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên kết hợp với ứng dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp tiên tiến để nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, định hướng phát triển các nông sản chủ lực để xuất khẩu. Điển hình như: Hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình xã Chiềng Pha (Thuận Châu) vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để xây dựng chuồng trại, trồng cỏ và lắp hệ thống tưới ẩm. Đến nay, tổng đàn bò của mô hình trên 160 con, với hơn 10 ha cỏ, trong đó có 4 ha được lắp hệ thống tưới ẩm, đảm bảo duy trì nguồn thức ăn cung cấp cho đàn bò, nhất là vào mùa đông. Để dự án đạt hiệu quả, Hội Nông dân huyện với cán bộ khuyến nông tổ chức tập huấn cho các hộ nuôi bò và trồng cỏ về kỹ thuật chăm sóc, nuôi bò sinh sản, cách ủ cỏ làm thức ăn cho trâu, bò với trên 100 hội viên tham gia.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Thuận Châu tiếp tục phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho hội viên được tiếp cận vay vốn; khuyến khích hội viên nông dân tham gia các lớp đào tạo nghề, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, nhân rộng diện tích các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới