Từ lâu, chợ phiên ở vùng cao Co Mạ (Thuận Châu) đã trở thành nét văn hóa truyền thống. Cứ thứ 5 hàng tuần, người dân nơi đây xuống chợ, không chỉ đơn thuần mua sắm, mà còn để giao lưu, gặp gỡ.
Người dân mua bán và trao đổi hàng hóa tại chợ phiên Co Mạ (Thuận Châu).
Những chiếc váy rực rỡ sắc màu của cô gái Mông hay những chiếc áo cóm, khăn piêu dịu dàng của cô gái Thái, cùng nhiều mặt hàng đặc sản của núi rừng được bày bán, với những nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc của người dân vùng cao khiến phiên chợ Co Mạ luôn hấp dẫn, níu chân du khách khi đến đây.
Từ thành phố Sơn La, sau gần 3 giờ đi xe máy, chúng tôi “vén” màn sương sớm trên những con dốc quanh co đến trung tâm xã Co Mạ. Chợ nằm ngay thung lũng, xung quanh là núi đá, rừng xanh và được phủ bởi làn sương mờ ảo. Từ các ngả đường của các xã vùng cao Mường Bám, É Tòng, Long Hẹ, Pá Lông, Co Tòng, bà con dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú nườm nượp đổ về trung tâm xã Co Mạ. Dạo quanh chợ, ấn tượng với chúng tôi là các hàng quán san sát nhau, bày bán đủ thứ, từ các sản vật, dụng cụ gia đình đến các máy móc hiện đại, thứ gì cũng có. Hàng hóa đa dạng và phong phú, người đến bán, khách về mua đông vui nhộn nhịp.
Chợ phiên Co Mạ chia thành 3 khu, khu thứ nhất dọc đường tỉnh 108 dài hơn 1 km bày bán nông sản vùng cao như: Rau rừng, măng, nấm, quả rừng hay “lợn bản”,“gà bản”, cá suối... thỉnh thoảng xen vào đó là những quán ăn bán chè, bán phở. Khu thứ 2, bên trong chợ, là các sạp hàng bán quần áo, chủ yếu là trang phục truyền thống dân tộc Thái, Mông và các phụ kiện đi kèm như mũ, xà cạp, vòng tay... Chị Vì Thị Đấu, bản Co Nghè B, chủ gian hàng quần áo, chia sẻ: Hàng của tôi chủ yếu là váy áo nữ, quần áo trẻ em lấy từ Thành phố lên. Vì bà con nhà xa nên thường đến chợ muộn, tôi thường bán từ sáng đến tầm 2 giờ chiều, trừ chi phí mỗi phiên chợ cũng lãi hơn 300 nghìn đồng.
Ngoài những mặt hàng nông sản vốn có, hiện nay, tại các phiên chợ đã xuất hiện những gian hàng bán quả sơn tra. Nhờ có các dự án hỗ trợ trồng sơn tra của Nhà nước mà hiện nay sơn tra đã trở thành cây trồng chủ lực của Co Mạ. Ông Vừ Chớ Dế, bản Pha Khuông, chủ gian hàng bán sơn tra, cho biết: Nhà tôi có 3 ha trồng sơn tra, năng suất trung bình mỗi năm đạt 2 tấn/ha, giá cả ổn định 10 nghìn/kg. Gia đình tôi vừa đổ buôn cho các thương lái vừa mang ra chợ phiên bán lẻ, mỗi phiên chợ cũng bán được 1 đến 2 yến. Sơn tra cho thu nhập cao gấp mấy lần lúa nương nên kinh tế gia đình ngày một khá lên...
Phiên chợ cũng là dịp để lực lượng Công an xã và Ban Quản lý chợ tuyên truyền về luật an toàn giao thông, các quy định về an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, chống cháy nổ trong khu vực. Các cán bộ, chiến sỹ, đã đến từng gian hàng, nhắc nhở, giải thích cho từng người dân hiểu rõ để bà con nâng cao ý thức, chấp hành đúng nội quy chợ, các quy định chung của xã, pháp luật của Nhà nước.
Trời đã ngả về chiều, cũng là lúc phiên chợ khép lại, người bán rục rịch dọn hàng. Trên các ngả đường, người mua vui vẻ vận chuyển hàng hóa mua được về nhà, tiếng cười nói, những lời hẹn hò như lời mời gọi cho phiên chợ tiếp theo.
Thủy Tiên (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!