Nguyễn Minh Tiến
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư huyện ủy
Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn công tác của tỉnh,
huyện Thuận Châu kiểm tra tiến độ dự án xây dựng Trường Mầm non Sơn Ca.
Sau cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng non trẻ của nhân dân ta vừa được thành lập đã phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách, đặc biệt là giặc ngoại xâm. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, tháng 12/1949, Ủy ban kháng chiến hành chính Thuận Châu được thành lập, do đồng chí Lương Sơn (tức Lường Xuân Yến) làm Chủ tịch. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào kháng chiến, trước yêu cầu bức thiết về xây dựng tổ chức Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên địa bàn, tháng 12/1949, Đảng bộ Thuận Châu được thành lập, ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của huyện Thuận Châu.
70 năm qua, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thuận Châu luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần cách mạng, anh dũng, kiên cường trong chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển, càng khẳng định rõ hơn vai trò của Đảng bộ huyện Thuận Châu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực. Ngay trong những năm đầu thành lập, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc Thuận Châu tích cực phối hợp với quân dân cả nước giành thắng lợi trong chiến dịch Tây Bắc 1952, giải phóng Thuận Châu vào ngày 21/11/1952. Từ năm 1953, quân dân Thuận Châu làm nhiệm vụ tiêu diệt thổ phỉ, góp phần cùng quân dân trong tỉnh đập tan kế hoạch dùng phỉ để chống phá cách mạng của thực dân Pháp. Đồng bào các dân tộc Thuận Châu đã hăng hái đi dân công sửa đường, đóng góp và vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Toàn cảnh thị trấn Thuận Châu.
Ảnh: Quàng Hưởng
Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, năm 1955, Khu tự trị Thái - Mèo được thành lập, Thuận Châu trở thành thủ phủ của Khu tự trị. Ngày 7/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Thuận Châu, những lời căn dặn của Người tại Lễ mít tinh lịch sử là nguồn động viên mạnh mẽ để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thuận Châu nỗ lực vượt mọi khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu quan trọng.
Trải qua 20 kỳ Đại hội, huyện Thuận Châu luôn hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu Đại hội đề ra. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất gia tăng bình quân trên 10%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách hàng năm luôn đạt và vượt dự toán giao. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay, huyện đã có 3.867 ha cây ăn quả; 8.161 ha cây công nghiệp (chè, cà phê, cao su); xây dựng 6 chuỗi liên kết sản xuất, có 5 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ; 205 ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP; tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 167 tỷ đồng; toàn huyện có 88 doanh nghiệp, 39 hợp tác xã đang hoạt động sản xuất, kinh doanh; đã phối hợp đưa vào khai thác và hoạt động Nhà máy chế biến mủ cao su Sơn La 28/10. Toàn huyện làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, hàng năm trồng mới 200 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,3%. Thực hiện tốt nhiệm vụ di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, đến nay, 100% xã có đường ô tô đi được 4 mùa đến trung tâm; 93,96% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 90% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,7%/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng, đã có xã Phổng Lái đạt chuẩn quốc gia; 1 xã đang chuẩn bị tổ chức công nhận; bình quân toàn huyện đạt 9,18 tiêu chí/xã.
Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực; hiện, toàn huyện có 30/84 trường đạt chuẩn quốc gia; 24 trường nấu ăn bán trú với 6.000 học sinh; 18/29 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Thực hiện tốt các chính sách với người có công và bảo đảm công tác an sinh xã hội, đã hoàn thành việc hỗ trợ 1.420 nhà cho người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở. Công tác cải cách hành chính, tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm; quốc phòng - an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tăng cường và mở rộng hoạt động đối ngoại...
Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường; công tác phát triển Đảng được coi trọng, đến nay, toàn Đảng bộ có 49 tổ chức cơ sở Đảng, 646 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với 8.597 đảng viên; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ngày càng được nâng cao. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; đổi mới công tác dân vận. Triển khai thực hiện các đề án về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thuận Châu quyết tâm thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra, trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện nhiệm vụ được giao; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, bảo đảm quy hoạch đáp ứng được yêu cầu định hướng phát triển kinh tế; quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn và các ngành, lĩnh vực khác có lợi thế, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Ba là, tập trung chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng xây dựng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp gắn với hỗ trợ xúc tiến thương mại.
Bốn là, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, phát huy vai trò và sức mạnh của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới.
Năm là, phát triển giáo dục và đào tạo, trọng tâm là tạo chuyển biến căn bản, toàn diện, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục ở các cấp học, bậc học.
Sáu là, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; phòng chống, kiểm soát ma túy trên địa bàn.
Phấn khởi, tự hào là vùng đất được đón Bác về thăm, tự hào về truyền thống cách mạng và những thành tựu đạt được trong 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu vững tin trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự quan tâm, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu quyết tâm phấn đấu xây dựng địa phương trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.
Một số hình ảnh về phát triển KT-XH, QP-AN của huyện Thuận Châu
Các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị nhận Giấy khen của Ban Thường vụ huyện ủy.
Người dân xã Phổng Lái thu hái chè.
Một ca sản xuất của công nhân Nhà máy chế biến mủ cao su Sơn La 28/10 tại xã Tông Lạnh.
Giờ học của các em học sinh Trường PTDT nội trú THCS và THPT Thuận Châu.
Cán bộ Ban CHQS huyện Thuận Châu huấn luyện pháo phòng không.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!