Phương châm “nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt cuộc hành trình triển khai Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, từ di chuyển tới ổn định cuộc sống người dân vùng TĐC. Những chính sách kịp thời, thiết thực từng bước hỗ trợ nhân dân vùng tái định cư ổn định cuộc sống lâu dài.
Bài toán hậu tái định cư
Từ Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, người dân bản TĐC Quỳnh Thuận,
xã Chiềng Pha phát triển mô hình trồng cam, cà phê có hệ thống tưới nhỏ giọt.
Bức tranh kinh tế - xã hội vùng TĐC thủy điện Sơn La sau hơn 15 năm thực hiện Dự án cũng như đời sống, sản xuất của đồng bào các dân tộc đã có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp; nguy cơ tái nghèo còn tiềm ẩn; cơ sở hạ tầng xuống cấp, điều kiện sản xuất, việc làm cho người dân vùng tái định cư còn nhiều khó khăn... đặt ra bài toán cần sớm có lời giải để người dân tái định cư thực sự “an cư lạc nghiệp”.
Trở lại xã Liệp Tè, xã có 11 bản thực hiện di dân tại chỗ và 2 điểm TĐC xen ghép của huyện Thuận Châu. Chúng tôi được ông Quàng Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Khi thực hiện di dân tại chỗ, thuận lợi là không phải di chuyển dân, nhưng giờ nhìn lại, mới thấy nhiều khó khăn do phần lớn diện tích đất sản xuất cũ đã bị ngập, cộng với địa hình đồi, dốc cao nên việc tổ chức sản xuất cho nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết vẫn là trồng cây trên nương, phụ thuộc vào thời tiết, do đó tỷ lệ hộ nghèo tại các bản TĐC vẫn còn rất cao trên 70%; điển hình như các bản Mồng Nọi, bản Trà, bản Kia có địa hình dốc nhất nên rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 80%. Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng, như trụ sở xã, nhà văn hóa, lớp học, hệ thống nước sinh hoạt đã xuống cấp.
Theo định kỳ, hằng tháng anh Lò Văn Mẳn, Trưởng bản Mồng Nọi về xã báo cáo tình hình đời sống, sản xuất của bà con, anh bảo: Mồng Nọi có 41 hộ, 187 nhân khẩu đồng bào La Ha; đất sản xuất chỉ khoảng 70 ha, chủ yếu trồng sắn, ngô... do địa hình đồi dốc cao, mưa lớn gây xói mòn, rửa trôi chất đất, nên năng suất cây trồng không cao, dẫn đến bản có tới 36 hộ nghèo, cận nghèo. Hai năm trở lại đây, được Nhà nước hỗ trợ, bà con trong bản chuyển đổi một số diện tích trồng ngô, sắn trước đây sang trồng xoài, cải tạo ghép mắt xoài địa phương; tổng diện tích hiện khoảng 28 ha xoài giống mới và xoài ghép cải tạo, nhưng sang năm mới cho thu hoạch... Nét lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt người Trưởng bản, bởi anh biết nếu vẫn phụ thuộc vào nương rẫy thì không thể thoát nghèo.
Rời xã Liệp Tè chúng tôi về xã Bó Mười, là xã có 2 bản TĐC Phiêng Xe và Quỳnh Thuận chuyển về xã Bó Mười năm 2009. Đường vào bản Phiêng Xe đã bắt đầu xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà; đường nội bản có nhiều vũng nước đọng và lầy trơn trượt. Trưởng bản Lò Văn Chiển cho biết: Tháng 3/2009, bản chuyển từ bản Xe, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) về đây, được nhà nước làm đường nội bản rải cấp phối, nhưng qua nhiều năm mưa làm trôi hết đất đá nên giờ đi lại khó khăn; các công trình thủy lợi, đặc biệt là mương dẫn nước nội đồng những năm gần đây mỗi khi mưa to là bị sạt lở, đất, đá vùi lấp lại phải huy động nhân lực xuống nạo vét; cùng với đó, nhà văn hóa bản cũng đã xuống cấp, mái dột, trần bị gió làm rụng từng mảng. Còn tại bản Quỳnh Thuận, khó khăn lớn nhất của bà con là thiếu nước sinh hoạt, mặc dù trước đây đã được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình cấp nước, nhưng những năm gần đây, cứ vào mùa khô, nước không đủ cho bà con dùng. Ông Hoàng Văn Hợp, Trưởng bản thông tin thêm: Đặc biệt năm nay do nắng nhiều, ít mưa, từ tháng 3 đến tháng 5, phải luân phiên mỗi ngày dồn cung cấp nước một hộ, với 40 hộ, như vậy phải đến hơn một tháng mới quay vòng được cấp lần thứ hai.
Sau nhiều năm sử dụng, nhà văn hóa một số bản TĐC đã xuống cấp.
Trao đổi với ông Lường Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Bó Mười, chúng tôi được biết xã đã báo cáo với huyện về tình trạng xuống cấp cơ sở hạ tầng của các điểm tái định cư, những điểm này cũng đã nằm trong danh mục được hỗ trợ thuộc Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La” giai đoạn II, dự kiến đến cuối năm nay sẽ bắt đầu thực hiện. Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để người dân ổn định đời sống và sản xuất, có thu nhập ổn định; đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân các bản tái định cư đưa các cây, con giống mới và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
Đồng bộ chính sách hỗ trợ TĐC
Ổn định cuộc sống vùng TĐC được Đảng, Nhà nước, tỉnh và địa phương cả ở nơi đi và nơi đón dân đặt ra ngay từ khi hình thành Dự án di dân. Tại Hội nghị tổng kết Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với vùng Dự án di dân tái định cư về hạ tầng xã hội, nhất là đào tạo lao động, giải quyết việc làm, tư vấn, hỗ trợ đồng bào sản xuất, kinh doanh; giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh…”. Ngày 31/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 666/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La, với tổng vốn đầu tư 6.945 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2018 đến 2025. Trong đó, giai đoạn 2018-2020, là 2.430 tỷ đồng (Sơn La được hỗ trợ 1.800 tỷ đồng); giai đoạn 2021-2025 là 3.341 tỷ đồng (tỉnh ta được nhận 3.341 tỷ đồng). Ngày 10/8/2016, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1925/QĐ-UBND triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng tái định cư thủy điện Sơn La. Theo đó, quy mô hỗ trợ đầu tư 35 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mỗi doanh nghiệp, HTX tùy theo năng lực được chỉ định thực hiện ít nhất 1 tiểu dự án (dự án thành phần), phân theo các nhóm: Sản xuất rau, củ, quả an toàn; trồng cây dược liệu; sản xuất gắn với tiêu thụ chè; sản xuất gắn với tiêu thụ cà phê; trồng cây ăn quả với hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp phân bón hòa tan theo công nghệ Israel hoặc xây dựng nhà lưới để sản xuất; chăn nuôi lợn, nuôi gia cầm giống mới; nuôi cá lồng và dự án hồ tạo nguồn tưới ẩm...
Mô hình nuôi cá lồng tại xã Liệp Tè.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Châu nỗ lực triển khai thực hiện nhiều chương trình dự án, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm giúp người dân vùng TĐC tăng thu nhập. Ông Quàng Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Huyện đặc biệt quan tâm công tác đào tạo nghề cho người dân tái định cư; hướng dẫn phát triển sản xuất, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, định hướng sản xuất kinh doanh các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, phù hợp điều kiện phát triển của từng vùng. Đồng thời, triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định bền vững đời sống các hộ dân TĐC.
Công tác khuyến nông, khuyến ngư gắn với chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nhân dân cũng được đẩy mạnh, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến hết quý I năm 2015, toàn huyện đã hoàn thành tập huấn phương án sản xuất cho nhân dân TĐC với 64 lớp tại 11 khu, 37 điểm TĐC tập trung và 2 bản TĐC xen ghép; thực hiện 156 mô hình chăn nuôi tại các điểm tái định cư. Năm 2016, thêm nhiều dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp được triển khai thực hiện tại các khu, điểm TĐC, như: Dự án cải tạo (ghép mắt) trồng cây ăn quả cho các hộ dân; dự án hỗ trợ nuôi cá lồng tại xã Liệp Tè và dự án trồng cây cà phê ứng dụng công nghệ tưới ẩm tiết kiệm nước kết hợp với phân bón hòa tan tại điểm TĐC Huổi Tát - Lọng Cảng Pa (xã Chiềng Pha)... Một trong những vướng mắc của huyện là việc sửa chữa các công trình hạ tầng tái định cư, do thời điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2021, các công trình TĐC chưa xuống cấp nên không đưa vào dự án đầu tư công trung hạn, nên hiện nay, một số hạng mục xuống cấp lại chưa có kinh phí thực hiện. Ông Quàng Anh Dũng thông tin thêm: Trước mắt, huyện chỉ đạo các xã, bản TĐC huy động lực lượng tại chỗ thực hiện duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường; huyện rà soát, tổng hợp mức độ hư hỏng đường giao thông, công trình nước sinh hoạt, công trình thủy lợi... để khi có nguồn hỗ trợ của Nhà nước sẽ ưu tiên thực hiện trước.
Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng Ban Quản lý dự án di dân TĐC huyện Thuận Châu, khẳng định: Các dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bằng nguồn vốn TĐC trên địa bàn huyện Thuận Châu tại các xã cơ bản phù hợp điều kiện tự nhiên của vùng, mang lại hiệu quả kinh tế. Thực tế cho thấy, việc đưa cây ăn quả vào trồng giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất canh tác, phủ xanh đất trống trồi trọc, tăng độ che phủ cho đất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Đây được xem như lời giải cho bài toán thiếu đất sản xuất và việc làm cho lao động địa phương, nhất là người dân các vùng tái định cư; góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa nông sản; nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống của người dân nông thôn.
Lời kết
Vấn đề thiếu đất sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các khu, điểm TĐC đã và đang xuống cấp; đời sống vật chất của người dân tái định cư còn khó khăn, khó phát triển bền vững, dễ xảy ra tái nghèo; công tác đào tạo, chuyển đổi nghề chậm... là thực trạng của khá nhiều điểm TĐC của huyện Thuận Châu nói riêng và các khu, điểm tái định cư trên địa bàn tỉnh nói chung, rất cần Nhà nước tiếp tục hỗ trợ và sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân vùng tái định cư.
Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ hội và điều kiện để Sơn La và các địa phương tập trung giải bài toán "nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ", tạo chuyển biến về trình độ sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hoá thu nhập cao; tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ở nông thôn; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân sau tái định cư Dự án thủy điện Sơn La một cách bền vững. Tin rằng, với sự mong mỏi của người dân, sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, Đề án sớm được triển khai thực hiện, tạo động lực, cú huých để từng bước giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!