Nuôi gà ác ở bản Công Mường B

Gà ác hay còn có tên khác là gà đen, gà chân chì, gà ngũ trảo... là một giống gà quý thuộc họ trĩ với những đặc điểm cơ bản đặc trưng, như: tầm vóc nhỏ, lông xước màu trắng tuyền hoặc đen, thịt và xương đen, chân có 5 ngón (ngũ trảo). Thịt gà ác chứa nhiều dinh dưỡng, giúp tăng cường hệ miễn dịch; bổ gan thận, ích khí huyết, dưỡng âm thoát nhiệt, thường dùng để chữa các chứng bệnh hư nhược, tiêu khát, ra mồ hôi trộm trong đông y.

Người dân bản Công Mường B, xã Tông Lạnh (Thuận Châu) chăm sóc đàn gà ác.

Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc nuôi gà ác, một số hộ gia đình ở bản Công Mường B, xã Tông Lạnh (Thuận Châu) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi gà ác cung cấp thịt, trứng và con giống cho thị trường, có thu nhập ổn định. Hiện, trong bản có 3 hộ nuôi gà ác với quy mô từ 300-500 con và nhiều hộ nuôi với số lượng ít. Trong đó phải kể đến gia đình ông Quàng Văn Linh, một trong những hộ đầu tiên ở bản đưa giống gà ác về nuôi. Năm 2014, ông Linh vào tận tỉnh Trà Vinh, Long An, Kiên Giang để tham quan, học tập kỹ thuật nuôi gà ác, sau đó ông mua giống về nuôi. Hiện nay, gia đình ông luôn duy trì đàn gà gần 500 con, mỗi tháng thu gần 400 quả trứng, bán được 1,6 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm gia đình xuất bán gần 800 con gà thịt với giá từ 120.000-140.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm gia đình ông Linh thu được gần 100 triệu đồng từ nuôi gà ác. Ông Linh chia sẻ: Nếu mua giống gà còn nhỏ thì phải tiến hành úm gà. Mật độ úm từ 1 ngày tuổi đến 1 tuần là 100 con/m², từ 1-2 tuần tuổi là 50 con/m², từ 3-5 tuần tuổi là 25 con/m². Trước khi quây lồng úm cần đảm bảo nhiệt độ ấm bằng cách thắp đèn điện giữ nhiệt. Sau khi thắp điện được khoảng 2 tiếng, nhiệt độ trong quây đã ổn định, bà con bắt đầu cho gà con vào quây úm. Nguồn nước dùng cho gà phải sạch và có thể pha thêm đường gluco để tăng sức đề kháng. Đặc biệt phải chú ý tiêm phòng đầy đủ, thường xuyên để ý, quan sát, nếu thấy gà có biểu hiện mệt mỏi, lông xù thì cần điều trị bằng thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Cũng như gia đình ông Quàng Văn Linh, năm 2016, gia đình ông Lường Văn Đón bắt đầu nuôi gà ác, hiện nay thường xuyên duy trì đàn gà hơn 300 con. Ngoài nuôi gà lấy trứng và thịt, ông Đón đã đầu tư mua máy ấp trứng để bán gà giống, trung bình mỗi năm cung cấp hơn 12.000 con giống ra thị trường. Sau khi trừ chi phí, bình quân gia đình ông thu hơn 200 triệu đồng từ nuôi gà ác.

Trao đổi với trưởng bản Quàng Văn Bình, được biết: Cả bản hiện có đàn gà ác hơn 2.000 con, nhưng những mô hình nuôi gà ác ở bản chủ yếu do bà con tự tìm hiểu và xây dựng. Để hỗ trợ bà con, thời gian qua, xã Tông Lạnh đã quan tâm và thường xuyên cử cán bộ thú y theo dõi, tuyên truyền, hướng kỹ thuật chăm sóc, phương pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng các bệnh thường gặp ở gia cầm, như: cúm, bệnh newcastle, hen gà... giúp nguồn sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Do đó, đã có nhiều thương lái tìm đến tận nơi đặt mua, bước đầu ổn định đầu ra cho sản phẩm. Bà con mong các cơ quan chức năng của huyện, chính quyền xã quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh để phát triển chăn nuôi bền vững.

Thủy Tiên (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới