Nơi ghi dấu Bác về thăm

Ngày 7/5/1959, tại sân vận động Thuận Châu - thủ phủ Khu tự trị Thái - Mèo đã diễn ra cuộc mít tinh lớn chào mừng Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Sự kiện lịch sử ấy in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Tây Bắc và nơi đây trở thành di tích lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyện Thuận Châu.

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi tìm về nhà cụ Lò Văn Tun ở bản Co Ké, xã Chiềng Pấc (Thuận Châu) là một trong những người dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, mái tóc đã bạc trắng nhưng cụ vẫn rất minh mẫn. Nhớ về ký ức, cụ Tun kể: Ủy ban lâm thời lúc bấy giờ kêu gọi toàn dân hãy tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Hưởng ứng lời kêu gọi lúc đó, ai có phương tiện gì thì dùng phương tiện ấy. Trong bản lúc đó có đàn ngựa thồ khoảng hơn chục con được huy động để lấy đồ từ huyện Phù Yên đến ngã ba Cò Nòi rồi đến Điện Biên. Thời gian ấy không thể đếm được đã vận chuyển được bao nhiêu chuyến đồ. Chỉ biết, cứ vào ban đêm cả người và ngựa cứ lặng lẽ di chuyển để chuyển hết chuyến đồ này đến chuyến đồ khác, phục vụ cho đến hết chiến dịch. Ngày đó, còn trai trẻ nên tôi tự nguyện giúp bộ đội vừa cân đong gạo thóc, vừa làm phiên dịch… Với những đóng góp đó, cụ Tun vinh dự được xã chọn cử đi dự mít tinh đón Bác.

Cuộc mít tinh đón Bác cách đây 60 năm vẫn in đậm trong tâm trí cụ Tun. Khi đó, cả rừng người im phăng phắc, lắng nghe từng lời của Bác. Người ân cần dặn dò đồng bào và bộ đội, cán bộ Tây Bắc ra sức thi đua sản xuất và tiết kiệm, đưa Tây Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cho đời sống ngày càng ấm no và vui tươi hơn nữa. Những lời căn dặn của Bác đã đi theo ông suốt những năm tháng công tác và cống hiến... Và hôm nay mỗi khi nhắc lại kỷ niệm được gặp Bác, cụ cũng như những nhân chứng lịch sử được gặp Bác luôn sống lại từng cảm xúc, hình ảnh về người cha già của dân tộc.

Một góc thị trấn Thuận Châu.

Tự hào về vùng đất Thuận Châu - nơi đón Bác diễn ra cuộc mít tinh đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Nơi đây, năm 1998, phần lễ đài và bia tưởng niệm đã được xây dựng lại. Bia tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng có kết cấu vững chắc. Chân bia là bệ hoa sen, phía trước gắn đá hoa cương màu khắc trích bài nói chuyện của Bác ngày 7/5/1959 cùng với Huy hiệu của Hồ Chủ tịch bằng đồng gắn trên cao và trang trí cách điệu. Sân vận động có diện tích 9.000 m2, được  trồng cây xanh để tạo môi trường hài hòa cho di tích.

Với tấm lòng tôn kính đối với Bác Hồ vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam và để đáp ứng nguyện vọng, tình cảm của nhân dân, di tích lịch sử Kỳ đài Thuận Châu đã được nâng cấp, tôn tạo với quy mô lớn hơn. Tháng 5/2017, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyện Thuận Châu được khởi công xây dựng tại khu di tích lịch sử lưu niệm Kỳ đài Thuận Châu. Sau hơn nửa năm thi công, ngày 1/1/2018 công trình được khánh thành. Công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng trên khuôn viên rộng gần 1.800 m2, gồm: Nhà tưởng niệm, nhà tả vu, hữu vu và các hạng mục phụ trợ… Công trình hoàn thành đã tạo điểm nhấn cho khu di tích Kỳ đài Thuận Châu, cùng với không gian rộng lớn của sân vận động huyện ngay trước Nhà tưởng niệm sẽ trở thành nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của huyện Thuận Châu.

Ông Hoàng Dần, tiểu khu 7, thị trấn Thuận Châu, là người có nhiều năm trông coi và gắn bó với di tích Kỳ đài Thuận Châu. Ông Dần tâm sự: Sau khi nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được hoàn thành, cán bộ và nhân dân vô cùng phấn khởi, những ngày lễ, tuần rằm, mùng 1, bà con khắp nơi về thắp hương tỏ lòng thành kính đối với Bác, đó là tâm nguyện, tình cảm của nhân dân huyện Thuận Châu cũng như của tỉnh Sơn La đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giờ đây Di tích lịch sử Kỳ đài Thuận Châu và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là địa chỉ tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho nhân dân mà còn là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa, với các hoạt động, như: Dâng hương, kết nạp đoàn viên, kết nạp đội viên thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh hay các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… di tích ngày càng thu hút mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi đến thăm và mãi khắc ghi dấu ấn về một chặng đường lịch sử của quê hương, về hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, từ đó bồi đắp thêm lòng yêu nước và tự hào dân tộc, là sức mạnh cổ vũ nhân dân các dân tộc đoàn kết một lòng xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.

Có mặt tại buổi lễ báo công với Bác về thành tích học tập mà thầy và trò Trường Tiểu học thị trấn Thuận Châu đạt được, chúng tôi được chứng kiến những tình cảm của thầy và trò nhà trường dành cho Bác. Thầy giáo Đinh Đại Dương cho biết: Nhà trường thường xuyên tổ chức cho các em đi tham quan, tìm hiểu về Di tích lịch sử Kỳ đài Thuận Châu và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là địa chỉ đỏ cho Liên đội và nhà trường với mong muốn các em hiểu được công lao to lớn của Bác đối với đất nước và dân tộc Việt Nam. Tin rằng, nơi này cũng là địa chỉ đỏ để các bạn thiếu nhi huyện Thuận Châu cũng như thiếu nhi trong tỉnh đến tham quan, tìm hiểu.

Tự hào khi là một người con của quê hương Thuận Châu, nơi có những di tích lịch sử gắn liền với Bác Hồ kính yêu, em Nguyễn Hữu Hải Anh, học sinh Trường Tiểu học thị trấn Thuận Châu, chia sẻ: Qua những trang sách và những bài học lịch sử ở trường, ở lớp chúng em được biết 60 năm về trước, Bác Hồ đã đứng tại nơi đây nói chuyện với đồng bào nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Bây giờ, mỗi khi đến nơi này, em vẫn cảm thấy bồi hồi xúc động và hình dung hình ảnh Bác Hồ rất giản dị và gần gũi. Em rất vinh dự và tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất lịch sử này.

Thầy và trò Trường Tiểu học thị trấn Thuận Châu tham quan Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Đồng chí Lường Thị Vân Anh, Bí thư huyện ủy Thuận Châu, cho biết: Thực hiện lời dạy của Bác,  Đảng bộ, chính quyền huyện Thuận Châu luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình kinh tế, hình thành các vùng cây công nghiệp. Trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La (7/5/1959 - 7/5/2019), nhân dân các dân tộc Thuận Châu mãi nguyện một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Bên cạnh đó, để phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích lịch sử lưu niệm Kỳ đài Thuận Châu và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, huyện  tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, giữ gìn khu di tích để di tích thực sự phát huy giá trị lịch sử cho hôm nay và mai sau.

Nhớ lời Bác dặn, nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh và phát triển, xứng đáng địa danh nơi Bác Hồ đến thăm.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới