Với trên 54.700 ha đất sản xuất nông nghiệp, Thuận Châu có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển các loại cây trồng, từ cây ăn quả đến lúa, ngô và các loại rau màu... Trong những năm qua, huyện đã chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn theo định hướng tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình trồng rau thủy canh của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Pha Đin.
Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Huyện đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp; chú trọng xây dựng và định hướng phát triển phù hợp với từng vùng, như: Các xã vùng dọc quốc lộ 6 là vùng kinh tế chủ lực của huyện, tập trung phát triển sản xuất chuyên canh lúa nước, chè, cà phê, cây ăn quả (chanh leo, bơ, xoài, nhãn..); các xã vùng sâu, vùng cao tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, cây sơn tra, trồng rừng; các xã vùng dọc sông Đà phát triển mạnh cây cao su, cây ăn quả như nhãn, xoài và nuôi trồng thủy sản... Cùng với tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân, huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên hệ, lựa chọn các đơn vị cung ứng giống, vật tư có uy tín, chất lượng để cung ứng cho nhân dân; tổ chức tìm kiếm thị trường tiêu thụ bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại, trên địa bàn huyện đã có sản phẩm tham gia chuỗi liên kết như: Cam, xoài, bơ, thanh long, chanh leo, chè... Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát quá trình thực hiện mô hình từ khâu rà soát, lựa chọn đối tượng, địa điểm đến trồng, chăm sóc và tổng kết, nhân rộng mô hình...
Chúng tôi có dịp về thăm mô hình trồng rau thủy canh tại bản Chiềng Ve B, xã Mường É của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Pha Đin. HTX trồng rau theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ; thiết kế, xây dựng hệ thống nhà lưới và các trang thiết bị đủ tiêu chuẩn, xung quanh căng rào lưới chắn côn trùng, bên trong xây dựng các giàn thủy canh, cùng các trang thiết bị hỗ trợ, như: Quạt làm mát, máy bơm nước tự động, hệ thống phun mưa, hệ thống bóng điện thắp sáng... rau được trồng trong môi trường nước có chứa dinh dưỡng, trên ống nhựa đục lỗ với khoảng cách 20 cm/cây, xếp thành nhiều tầng. Anh Trần Sơn Hải, Phó Giám đốc HTX cho biết: Khu nhà lưới rộng trên 1.000 m², hiện đang trồng các loại rau cải trắng, cải bó xôi, rau muống... cây rau giống được ươm bằng hạt, khi rau mọc mầm được 2 lá sẽ cho vào cốc và đặt lên giàn; quy trình chăm sóc đơn giản, hệ thống bơm nước tự động tuần hoàn từ bể dẫn nước có chứa dinh dưỡng về từng gốc rau và ngược trở lại; khoảng 30 ngày là rau được thu hoạch, năng suất và giá bán cao hơn 1,5-2 lần so với rau trồng theo phương pháp truyền thống…
Với sự quan tâm đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, từ năm 2011 đến nay, huyện Thuận Châu đã thực hiện xây dựng và nhân rộng hơn 1.034 chương trình, dự án, tiểu dự án, mô hình phát triển nông nghiệp (đã đánh giá tổng kết 153 mô hình thuộc nguồn vốn Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La; 53 mô hình thuộc Chương trình khuyến nông Quốc gia của tỉnh, nguồn sự nghiệp kinh tế huyện, nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và 828 tiểu dự án sinh kế thuộc Dự án giảm nghèo giai đoạn II). Đã có 889 mô hình được đánh giá có hiệu quả và được các hộ dân duy trì từ năm 2016 đến nay. Đa số các mô hình sản xuất được lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Điển hình, như: Mô hình 5 ha trồng cam, cà phê, sa nhân, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel của gia đình anh Hoàng Văn Thắng, bản TĐC Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Mô hình trồng 66 ha xoài Đài Loan tại HTX bản Bon, xã Mường Khiêng theo chương trình hợp tác xuất khẩu nông sản với HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn; vụ xoài năm 2019, HTX bản Bon đã xuất khẩu 20 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc...
Để nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, thời gian tới, huyện Thuận Châu tiếp tục chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các mô hình đang trong giai đoạn thực hiện; nhân rộng các mô hình về giống cây trồng, vật nuôi mới có sản phẩm là hàng hóa tập trung, khả năng đứng vững, ổn định trên thị trường, phù hợp cho từng vùng gắn với liên kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nhân dân. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn làm cầu nối giữa các cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giống, vật tư và có khả năng giúp nông dân bao tiêu sản phẩm. Rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; xây dựng Đề án thí điểm hỗ trợ 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với cây chè tại xã Phổng Lái và cây sơn tra tại các xã: Long Hẹ, Co Mạ, Chiềng Bôm...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!