Đến huyện Thuận Châu, được anh bạn mời thưởng thức các món ăn đặc sản chế biến từ cá. Trong cuộc “đại tiệc” ấy, chúng tôi khám phá được nguồn thực phẩm “chất lượng cao” được chuyển từ xã Chiềng La về, mà cá Chiềng La có tiếng từ trước tới nay. Không giấu được tò mò, chúng tôi đến xã Chiềng La để “mục sở thị” cách nuôi cá của người dân nơi đây.
Mô hình nuôi cá của người dân xã Chiềng La (Thuận Châu).
Vừa đến đầu xã, ấn tượng với hệ thống ao nuôi cá, được chia thành từng ô san sát theo hộ gia đình. Tiếp chúng tôi, ông Quàng Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã thông tin: Tận dụng nguồn nước ngầm dồi dào, nên nghề nuôi cá ở đây được người dân duy trì từ lâu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Hiện, ở xã có hơn 500 hộ, chiếm 90% số hộ tham gia nuôi cá, mà chủ yếu là cá trắm cỏ, với diện tích gần 12 ha, hộ ít thì vài chục mét vuông, hộ nhiều đến cả nghìn mét vuông, bình quân mỗi năm sản lượng cá thịt xuất ra thị trường đạt 48 tấn.
Được biết, để giúp người dân phát triển nghề nuôi cá, hằng năm huyện Thuận Châu đều tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Cùng với đó, xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn bà con cách nuôi cá hiệu quả. Nhờ đó, các hộ đã nắm vững được kỹ thuật, quản lý chất lượng nước ao, kỹ thuật nuôi cá và trồng cỏ; biết cách kết hợp hài hòa giữa yếu tố kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, thức ăn và con giống. Tận dụng diện tích bờ ao, bãi hoang để trồng cỏ voi, các sản phẩm nông nghiệp như lá ngô, lá chuối, lá sắn, rau, củ... làm thức ăn cho cá. Hiện nay, người dân trong xã trồng hơn 20 ha cỏ voi, gần 30 ha cây chuối để làm thức ăn cho cá. Điểm đặc biệt ở nơi đây là người dân nuôi cá hoàn toàn bằng thức ăn tự nhiên nên thịt cá thơm và chắc, khi cá có trọng lượng từ 3 kg trở lên người dân mới xuất bán. Với chất lượng đó, chỉ cần một cuộc điện thoại là có thương lái đến tận nơi thu mua với giá rất cao, con cá từ 3 đến 5 kg giá 130 nghìn đồng/1kg, con trên 5 kg giá 150 nghìn đồng/1kg, vậy mà những dịp lễ, tết người dân không đủ cá cung cấp cho thị trường.
Mô hình nuôi cá của người dân xã Chiềng La (Thuận Châu).
Đến thăm mô hình nuôi cá của gia đình ông Lường Văn Khún, bản Nưa, Qua câu chuyện được biết, trước đây kinh tế gia đình ông Khún gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù cũng từng đào ao nuôi cá nhưng hiệu quả không cao. Sau khi được cán bộ chuyên môn chuyển giao kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho cá trắm cỏ, gia đình ông đã có thu nhập ổn định. Ông Khún phấn khởi: Trước đây, chưa áp dụng biện pháp kỹ thuật, cá thường bị dịch bệnh nên năng suất thấp, nay được cán bộ khuyến nông hướng dẫn về cách chăm sóc, phòng bệnh cho cá nên cá lớn nhanh. Để có đủ thức ăn cho cá, gia đình tôi trồng cỏ voi, cây chuối làm thức ăn cho cá, chỉ 70 m2 ao nuôi, hằng năm, gia đình bán được khoảng 5 tạ cá, thu hơn 60 triệu đồng. Còn ông Lò Văn Phó, bản Hướn Kho, chia sẻ: gia đình tôi có gần 100 m2 ao nuôi cá trắm cỏ hằng năm bán được 8 tạ cá thịt thu khoảng 100 triệu đồng. Chính thu nhập từ con cá đã giúp gia đình tôi có điều kiện nuôi các cháu đi học, sắm sửa những vật dụng trong nhà...
Nghề nuôi cá ở Chiềng La phát triển không chỉ đem lại nguồn thu nhập giúp bà con xóa đói, giảm nghèo mà còn tạo ra lượng hàng hóa chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. Để con cá ở Chiềng La phát triển mạnh hơn nữa, người dân nơi đây mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, nhất là việc ứng dụng chuyển giao kỹ thuật nuôi, chăm sóc cá, giúp người dân khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước ao, hồ; tạo việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!