Những năm qua, xã Mường É (Thuận Châu) đẩy mạnh công tác vận động người dân di dời chuồng chăn nuôi gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, làm thay đổi tích cực môi trường sống, phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Nhân dân bản Kiểng A, xã Mường É (Thuận Châu) di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở.
Cũng như các bản khác trong xã, trước đây, người dân bản Kiểng A, xã Mường É có thói quen nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà. Mưa đến, bùn đất, phân, nước thải lẫn nước mưa gây ô nhiễm và mất vệ sinh môi trường. Thực hiện chủ trương của cấp ủy, chính quyền xã, đến nay, 100% người dân trong bản đã làm chuồng trại cho gia súc và đưa gia súc ra khỏi gầm sàn. Tiên phong trong phong trào này là Trưởng bản Kiểng A Quàng Văn Ươm, gia đình anh đã xây chuồng trại kiên cố, rộng rãi, thoáng mát, mái lợp tôn cách xa nhà ở; ngoài ra, anh còn làm sàn để dự trữ thức ăn cho mùa đông. Anh Ươm thông tin: Bản có 55 hộ, trong đó 38 hộ nuôi hơn 100 con trâu, bò; để thực hiện chủ trương đưa gia súc ra khỏi gầm sàn, Ban quản lý bản đã vận động ĐVTN trong bản tham gia hưởng ứng, giúp đỡ ngày công lao động xây dựng chuồng trại. Đồng thời, tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở nên trong bản không còn cảnh trâu, bò thả rông như trước. Thay vào đó, trâu, bò được nhốt trong chuồng riêng. Chuồng trâu, bò hầu hết được bà con xây bằng gạch hoặc dựng cột gỗ, lát nền xi măng, mái lợp prô xi măng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông và cách xa nhà ở. Nhờ di chuyển gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở mà công tác chăm sóc, phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc được thuận lợi, trâu, bò phát triển tốt hơn.
Còn tại gia đình anh Quàng Văn Ba ở bản Pom Mé một trong những hộ thực hiện mô hình nuôi bò nhốt chuồng, anh Ba phấn khởi: Ngày trước, nuôi gia súc dưới gầm sàn ô nhiễm lắm. Đầu năm 2017, được chính quyền xã tuyên truyền vận động thực hiện mô hình, gia đình đồng ý ngay, lại được đoàn viên thanh niên bản giúp súc san mặt mặt, làm chuồng trại. Hiện nay, gia đình trồng 500 m2 cỏ voi lấy thức ăn phục vụ nuôi 5 con bò, 1 con trâu. Công nhận từ ngày đưa trâu, bò ra khỏi gầm sàn không còn ngửi thấy mùi hôi thối nữa, mà trâu, bò lớn nhanh hơn, ít bị bệnh...
Tìm hiểu được biết, Mường É là xã vùng ba của huyện Thuận Châu, với 1.612 hộ sinh sống ở 31 bản; toàn xã có trên 2.700 con trâu, bò. Trước đây, việc nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà ở là thói quen lâu đời, đã gây ô nhiễm môi trường sống và tiềm ẩn nguy cơ lây truyền dịch bệnh cho cộng đồng. Xác định việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả. Ông Quàng Văn Xiến, Chủ tịch UBND xã Mường É cho biết: Lúc đầu, việc vận động các hộ dân di chuyển chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở gặp rất nhiều khó khăn do một số hộ thiếu mặt bằng, thiếu vốn hoặc có suy nghĩ, nếu chuyển trâu bò ra xa nhà ở thì lại sợ bị mất trộm. Xã đã phân công các đồng chí cán bộ, đảng viên, cán bộ đoàn thể phụ trách từng bản tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà; phát huy tinh thần tiên phong của cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, vận động người thân, họ hàng thực hiện; huy động lực lượng giúp đỡ ngày công lao động để vận chuyển vật liệu, xây dựng chuồng trại. Từ đó, nhận thức của người dân được nâng lên, hiện nay đã có 5 bản chuyển 100% đàn gia súc ra khỏi gầm sàn, số hộ đưa ra súc ra khỏi gầm sàn toàn xã chiếm 60%.
Để thực hiện hiệu quả việc di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, xã tiếp tục phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, tăng cường vận động gắn với thực hiện các phong trào của các tổ chức đoàn thể để nâng cao ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, chủ động di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, góp phần hoàn thành tiêu chí vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!